Tan hoang sau siêu bão Yagi, xe bị cây đổ đè có được bồi thường?
TCDN - Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh nên sau khi siêu bão Yagi quét qua, nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang... trở nên tan hoang.
Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) hình thành phía Đông của Philipines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Bão Yagi và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh/tp); bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía Bắc.
Trước mắt, sơ bộ một số thiệt hại bước đầu gồm 05 người chết (Quảng Ninh 03, Hải Phòng 01, Hải Dương 01); 186 người bị thương (Quảng Ninh 157, Hải Phòng 13, Hải Dương 05, Hà Nội 10); 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh; Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ.
Hiện nay trên các trang mạng xã hội đang rất quan tâm đến vấn đề liệu tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm về việc cây đổ la liệt tại các tuyến phố. Đồng thời, liệu những bị ảnh hưởng do cây xanh gãy đổ làm hỏng ôtô, chết người có được bồi thường thiệt hại hay không.
Về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật nhận định rằng cây xanh được trồng và quản lý bởi các cơ quan chức năng có chuyên môn, có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh phải thực hiện cắt tỉa các cành cây để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Do vậy, việc tình trạng những cây xanh bị bật gốc, gãy đổ trên đường ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân thì trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc cây trồng quản lý.
Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Tuy nhiên người gây thiệt hại không phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong các trường hợp bất khả kháng khi có đủ ba điều kiện: Sự kiện xảy ra một cách khách quan; Không thể lường trước được; Không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Theo đó, lỗi sẽ hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại nếu như chủ phương tiện dừng đỗ xe tại vị trí sai quy định hoặc người điểu khiển phương tiện cố tình đi lên vỉa hè bị cây đổ đè lên người. Còn trường hợp cây xanh dọc vỉa hè đỗ gãy gây tai nạn cho người đi đường thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người được giao quản lý phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Tương tự với tài sản là xe, nếu đỗ xe là đúng nơi quy định, sự việc không phải là bất khả kháng, không có lỗi của người đỗ xe thì đơn vị quản lý cây xanh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ xe. Thiệt hại sẽ bao gồm chi phí sửa chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và các chi phí phát sinh trong quá trình sửa chữa chiếc xe.
Nếu cây đổ là bất khả kháng, không có lỗi của bên nào nhưng chủ xe có mua bảo hiểm thì bên bảo hiểm sẽ căn cứ tình hình để thực hiện sữa chữa, bồi thường,...
email: [email protected], hotline: 086 508 6899