Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Lo tìm động lực mới

14/11/2019, 15:38

TCDN - Chất lượng tăng trưởng chưa tương xứng, đầu tư nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không còn là động lực tăng trưởng đang là vấn đề đáng quan ngại đối với kinh tế Việt Nam.

3-1

Tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm

Ông Nguyễn Anh Dương- Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm 2019 đạt cao nhất gần thập kỷ qua. Trong đó, riêng quý III/2019, GDP tăng 7,31%, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước (trừ quý III/2017). Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng. Quý III/2019 là quý thứ 10 liên tiếp GDP vượt mức tiềm năng. Dù vậy, tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm. Điều này đặt ra những cảnh báo về vấn đề cần củng cố chất lượng tăng trưởng.

Cũng theo ông Dương, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước một số khó khăn, thách thức. Thứ nhất, chất lượng tăng trưởng chưa tương xứng vẫn là một vấn đề đáng quan ngại. Biểu hiện, mặc dù vai trò của khai khoáng trong GDP đã trở lại, song đóng góp theo điểm % không lớn trong 10 tháng năm 2019. Tồn kho của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh hơn, cùng với đó là sự suy giảm của khu vực nông - lâm - thủy sản. Đặc biệt, tích lũy tài sản tăng chậm hơn các năm trước, gây ra lo ngại về năng lực sản xuất trong tương lai. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực và lao động vẫn còn thấp, các vấn đề môi trường đang phức tạp hơn…

Thứ hai, hiệu quả sử dụng nguồn lực ở khu vực công còn nhiều bất cập. Đó là tình trạng giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng vẫn chậm, làm giảm hiệu quả đầu tư công và tăng chi phí vốn (kể cả chi phí cơ hội); tình trạng lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước còn hiện hữu…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư, địa điểm dịch chuyển đầu tư tương đối hấp dẫn (nhờ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh hay tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…), nhưng nếu không sàng lọc tốt và kịp thời, các dự án FDI có thể khó mang lại hiệu quả cao như kỳ vọng, thậm chí sẽ xuất hiện những dự án “núp bóng” đầu tư, gây hệ lụy đến môi trường, xã hội…

Đầu tư nhà nước và FDI không còn là động lực

Đại diện CIEM nhận định, đầu tư nhà nước và FDI không còn là động lực tăng trưởng thể hiện ở hai khía cạnh. Tính chung 10 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 260,4 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2% kế hoạch năm, tăng 5,3%. Trong khi 10 tháng năm 2018 giải ngân 70,3% kế hoạch và tăng 12,1%).

Về thu hút FDI, tăng 26% về số dự án nhưng giảm 14,6% về số vốn đăng ký mới. Như vậy, vốn FDI giảm, quy mô dự án giảm… chất lượng dự án và cách thức đầu tư của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng còn không ít nghi ngờ. Vốn đăng ký FDI bổ sung cũng giảm 16,4% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện chỉ tăng 7,4%. Một vấn đề đáng lo ngại khác là vốn đầu tư FDI gián tiếp tăng mạnh chiếm 70,5%, nhưng việc xác định đầu tư vào đâu, mua cái gì chưa thực sự rõ ràng. Theo các chuyên gia Trường Đại học kinh tế quốc dân, tăng trưởng kinh tế phải gắn với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao bằng việc khai thác các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, động lực thứ nhất là khu vực tư nhân đổi mới năng động sáng tạo thực sự là động lực tăng trưởng số 1 của nền kinh tế dựa trên nòng cốt là các tập đoàn kinh tế tư nhân chi phối ngày càng nhiều ngành và lĩnh vực của nền kinh tế. Động lực thứ hai là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn duy trì động lực sáng tạo, mạnh dạn khởi nghiệp và phát triển kinh doanh theo phương thức hiện đại, chấp thuận rủi ro.  Động lực thứ ba là, khoa học công nghệ cao được áp dụng trong các ngành kinh tế cả trong sản xuất kinh doanh và trong quản lý điều hành phát triển với nội dung thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.  Động lực thứ tư là thiết lập được vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chuỗi giá trị này bắt đầu từ những ngành sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao quy mô lớn từ đó đầu tư phát triển các ngành công nghiệp thương mại dịch vụ tương ứng với quy trình cung cấp đầu vào xử lý chế biến đầu ra theo chiều sâu tiêu thụ các sản phẩm dựa trên công nghệ cao.

Nhóm nghiên cứu của CIEM phân tích, biễn biến kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm 2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới vẫn có thể gia tăng, cùng với căng thẳng thương mại ở khu vực chưa hạ nhiệt, còn nhiều bất định… Bên cạnh đó, dù Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đi vào thực thi, song xuất khẩu vào các thị trường CPTPP chưa nhanh như kỳ vọng, mặt khác khả năng tận dụng ưu đãi từ các FTA hiện có nhìn chung chưa cao… 

Trên cơ sở đó, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 7,02%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 8,13%. Lạm phát bình quân năm 2019 có thể ở mức 2,78%... Đưa ra những khuyến nghị về mặt chính sách cho những tháng cuối năm 2019, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, trước hết cần tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô, để trực tiếp hỗ trợ hợp lý đối với tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần xem xét, bãi bỏ các rào cản, thủ tục hành chính bất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… nhằm tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh mới cho nền kinh tế.

Đặc biệt, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước…

4 kịch bản tăng trưởng của Việt Nam

PGS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học kinh tế quốc dân gợi ý các kịch bản tăng trưởng đối với Việt Nam. Cụ thể, kịch bản 0: duy trì tăng trưởng mức hiện tại là 6%/năm. Đến năm 2030 GDP/người của Việt Nam đạt 14.987 USD, tương đương với Hàn Quốc năm 1994; Malaysia năm 1995; Trung Quốc năm 2017. Đến năm 2045 GDP/người của Việt Nam đạt 31.156 USD, tương đương với Hàn Quốc năm 2011; Malaysia năm 2022; Trung Quốc năm 2030.

Kịch bản 1 - mô hình Malaysia: tăng trưởng GDP từ 7 - 8%/năm. Theo kịch bản này năm 2030 GDP/người Việt Nam đạt 17.768 USD, tương đương Hàn Quốc năm 1996, Malaysia năm 2004, Trung Quốc năm 2020. Đến năm 2045 GDP/người của Việt Nam đạt 45.695 USD, tương đương Hàn Quốc năm 2027; Malaysia năm 2033; Trung Quốc năm 2037.

Kịch bản 2 - mô hình Hàn Quốc: tăng trưởng GDP 2 giai đoạn 2021 đến 2025 đạt 7 - 8%/năm và giai đoạn 2026 đến 2045 là 9 - 10%/năm. Theo mô hình này đến năm 2030 GDP/người của Việt Nam đạt 19.500 USD, tương đương Hàn Quốc năm 1999; Malaysia năm 2007; Trung Quốc năm 2021. Đến năm 2045 GDP/người của Việt Nam đạt 66.294 usd, tương đương Hàn Quốc năm 2042; Malaysia năm 2043; Trung Quốc năm 2044.

Kịch bản 3 - mô hình Trung Quốc: tăng trưởng GDP liên tục từ 9 - 10%/năm. Với mức tăng trưởng này, đến năm 2030 GDP/người của Việt Nam đạt 22.212 USD, tương đương Hàn Quốc năm 2002; Malaysia năm 2012; Trung Quốc năm 2024. Đến năm 2045 GDP/người của Việt Nam đạt 75.515 USD vượt qua Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc tại thời điểm đó.

Từ phân tích các căn cứ để đạt được khát vọng cho thấy, mô hình Hàn Quốc là lựa chọn phù hợp với hiện trạng và khát vọng của Việt Nam. Tuy nhiên, để bứt phá thành công, Việt Nam cần kết hợp được sự hài hòa xã hội của Malaysia và hiệu quả kiểm soát nhà nước của Trung Quốc Việt Nam.

Thanh Hải

Tạp chí in số tháng 11/2019
Bạn đang đọc bài viết Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Lo tìm động lực mới tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đầu tư nhà nước và FDI không còn là động lực tăng trưởng?
Việc vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước chỉ đạt 69,2% kế hoạch, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả về đăng ký và quy mô dự án đều giảm cho thấy, khu vực này không còn là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
10 tháng thu hút FDI tăng 4,3%
Trong 10 tháng năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.