Tăng trưởng tín dụng mới đạt 3,13%

03/07/2023, 08:59
báo nói -

TCDN - Doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, khách hàng vay vốn vướng mắc về pháp lý nên tăng trưởng tín dụng mới đạt 3,13% (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%).

Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát vẫn ở mức cao mặc dù đã giảm, ở trong nước tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn được đảm bảo.

Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất để doanh nghiệp và người dân tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tính đến thời điểm 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 3,30%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng kỳ năm trước tăng 3,97%); tăng trưởng tín dụng đạt 3,13% (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%). Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 4 lần (vào các ngày 15/3/2023, 03/4/2023, 25/5/2023 và 19/6/2023) các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2%/năm.

Cụ thể, giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng; giảm 0,5-1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay có xu hướng giảm dần. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân đồng Việt Nam ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, phù hợp, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát. Đến ngày 22/6/2023, tỷ giá trung tâm ở mức 23.732, tăng 0,51% so với thời điểm cuối năm 2022.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Tăng trưởng tín dụng mới đạt 3,13% tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Dư nợ tín dụng tăng góp phần hạn chế 'tín dụng đen'
NHNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng góp phần giải toả cơn khát vốn, qua đó góp phần hạn chế "tín dụng đen".