Thanh Hóa: Gần 6.000 doanh nghiệp vay ngân hàng hơn 52.000 tỷ đồng

08/08/2023, 08:56
báo nói -

TCDN - Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hoá, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5.811 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh với dư nợ 52.211 tỷ đồng.

Ngành ngân hàng triển khai linh hoạt chương trình, chính sách tiền tệ, tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vốn ưu đãi phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh tạo “đòn bẩy” cho các doanh nghiệp tự tin kinh doanh sản xuất.

Ngành ngân hàng triển khai linh hoạt chương trình, chính sách tiền tệ, tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vốn ưu đãi phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh tạo “đòn bẩy” cho các doanh nghiệp tự tin kinh doanh sản xuất.

Theo đó, đến cuối tháng 7/2023, tổng dư nợ tín dụng các ngân hàng trên địa bàn tỉnh ước đạt 183,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm.

Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng cũng đã tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp - nông thôn; cho vay xuất khẩu; cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ… Thực hiện cho vay gói hỗ trợ 2% lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ đối với 195 khách hàng với dư nợ 1.357 tỷ đồng.

Đặc biệt, các ngân hàng đẩy mạnh cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 287 nghìn khách hàng với dư nợ được cơ cấu là hơn 97 nghìn tỷ đồng. Qua đó tạo điều kiện giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn về tài chính, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngay từ đầu năm, ngành Ngân hàng Thanh Hóa đã tích cực tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đẩy mạnh công tác huy động vốn với các mức lãi suất linh hoạt, phù hợp với quy định và chỉ đạo của NHNN Việt Nam về lãi suất. Toàn ngành phấn đấu nguồn vốn huy động tại địa phương tăng khoảng 11% so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với diễn biến, nhu cầu của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của Ngành Ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% so với năm 2022. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp; kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Lan Anh
Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Gần 6.000 doanh nghiệp vay ngân hàng hơn 52.000 tỷ đồng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan