Thủ tướng: Ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô

04/07/2023, 20:58
báo nói -

TCDN - Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%) và bảo đảm đời sống nhân dân.

Dư địa chính sách còn khá lớn

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với dư địa chính sách còn khá lớn (lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công 38%, nợ Chính phủ 34,7% GDP, bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát), việc ưu tiên hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng là phù hợp, cần thiết lúc này. Đây cũng là điểm mạnh của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới còn ít hoặc khó khăn cho dư địa chính sách.

Trong chỉ đạo điều hành, cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hoà, hợp lý giữa: Lãi suất và tỉ giá; Tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; Theo dõi sát và nắm chắc tình hình bên trong và bên ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Về định hướng chính sách, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát; chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp các chính sách.

Cho rằng đây là cơ hội cần nắm bắt, Thủ tướng nêu rõ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn được thể hiện chủ yếu thông qua tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.

Theo Thủ tướng, về thực chất, chủ trương này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, có lộ trình, xuyên suốt từ tháng 10/2022 đến nay; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm nhưng cần làm mạnh hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" trước tháng 10/2022 sang "chắc chắn" từ tháng 10/2022 và tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn" trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và phù hợp với thực tiễn.

Cùng với NHNN và ngành ngân hàng, Thủ tướng kêu gọi và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển sản phẩm có chất lượng theo hướng sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường, đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường trong nước, quốc tế.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng NHNN và cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tiếp giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Về công cụ, giải pháp chính sách, Thủ tướng yêu cầu rà soát các cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về phía cầu và phía cung. Theo đó, tiếp tục rà soát, có các giải pháp mạnh hơn, hiệu quả hơn để kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước (các giải pháp về miễn giảm thuế, phí, lệ phí, các hình thức hỗ trợ mua hàng, khuyến mãi, giảm giá, giảm các loại phí, lệ phí, thúc đẩy mạnh mẽ tín dụng tiêu dùng…).

Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công (với tổng số vốn đầu tư công năm 2023 khoảng 817 nghìn tỷ đồng; trong khi 1 đồng vốn đầu tư công có thể thu hút được 1,62 đồng đầu tư ngoài nhà nước); đồng thời tạo mọi thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án PPP; tập trung xoá bỏ rào cản, khơi thông mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài.

Về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống hiện có và mở rộng các thị trường mới, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, nhất là xuất khẩu xanh (lưu ý các khu vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh, Khối Bắc Mỹ); sớm ký Hiệp định FTA với Israel, UAE…

Tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế. Quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… nhằm tạo chuyển biến rõ nét về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng lưu ý NHNN thực hiện ngay các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay (xem xét cả đối với các khoản vay mới và đang còn dư nợ); tăng tín dụng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; thực hiện hiệu quả các gói tín dụng chính sách 40 nghìn tỷ đồng (hỗ trợ lãi suất 2%) và 120 nghìn tỷ đồng (cho vay nhà ở xã hội).

Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên. Thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí đã ban hành; đẩy nhanh hoàn thuế GTGT.

Tiếp tục nghiên cứu các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khoá (nghiên cứu cân nhắc nếu thuận lợi thì báo cáo cấp có thẩm quyền có thể tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với quy mô khoảng 4-5% GDP trong những năm tới nhưng không ảnh hưởng đến trần nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; vấn đề là phải sử dụng vốn có hiệu quả); đồng thời hoàn thiện phương án, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về thuế tối thiểu toàn cầu. Khẩn trương xử lý thực chất, hiệu quả những tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành phân bổ vốn; đôn đốc, đẩy nhanh, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh; tập trung đôn đốc đẩy nhanh công tác quy hoạch hơn nữa, làm ngày đêm cho các địa phương. Cập nhật phương án, kịch bản chỉ đạo điều hành; hoàn thiện trình ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật kỷ cương.

Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm Nghị quyết 33 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; chương trình xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; cùng Bộ Công an, các bộ, ngành, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về phòng cháy chữa cháy.

Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án cao tốc, chọn được nhà thầu xây dựng sân bay Long Thành; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh.

Bộ Công Thương tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; kích cầu tiêu dùng; mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới; triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm; tìm đầu ra cho nông sản, tập trung cho xuất khẩu chính ngạch; thực hiện nghiêm các giải pháp để sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU; chủ động phòng chống dịch bệnh, phòng chống hạn, xâm nhập mặn, khô hạn, sạt lở.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch đất đai, các thủ tục hành chính; khẩn trương xử lý các kiến nghị, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp về đất đai, môi trường; tăng cường dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu. Xử lý dứt điểm về nguyên vật liệu cho xây dựng hạ tầng giao thông.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: Ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thủ tướng: Hạn chế tối đa đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương hạn chế tối đa việc đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước; trừ trường hợp thực hiện theo cam kết quốc tế, theo quyết định của cấp có thẩm quyền trong những tình huống thực sự cần thiết, cấp bách...