Thực trạng và xu hướng phát triển MVNO tại thị trường viễn thông Việt Nam
TCDN - Trong bối cảnh thị trường viễn thông Việt Nam đang dần bão hòa, MVNO nổi lên như một mô hình đầy tiềm năng, thách thức các nhà mạng truyền thống. Liệu MVNO có đủ sức bứt phá để tái định hình thị trường, hay vẫn loay hoay trước bài toán hạ tầng và lợi nhuận?
Thực trạng thị trường MVNO tại Việt Nam
MVNO (Mobile Virtual Network Operator – Nhà mạng di động ảo) là mô hình kinh doanh viễn thông trong đó các nhà mạng không sở hữu hạ tầng mạng mà thuê lại từ các nhà mạng truyền thống (MNO – Mobile Network Operator) để cung cấp dịch vụ đến khách hàng.
Tại Việt Nam, thị trường MVNO vẫn còn khá non trẻ so với các nước phát triển nhưng đang có những bước tiến nhất định. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường viễn thông Việt Nam đang có 5 nhà cung cấp MVNO là ITel, Wintel, ASim, VNSky và mới nhất là FPT Retail chủ yếu hoạt động và phụ thuộc vào 2 nhà cung cấp chính là VinaPhone và Mobifone.
Itel (Indochina Telecom) – đầu số 087
Là Nhà mạng MVNO đầu tiên tại Việt Nam (ra mắt năm 2019), hoạt động dưới hình thức thuê hạ tầng mạng từ Vinaphone. Itel nhắm đến phân khúc khách hàng bình dân, gói cước giá rẻ.
Reddi - Wintel (Mobicast) – đầu số 055
Ra mắt năm 2020, Nhà mạng này thuê hạ tầng từ Vinaphone, được định vị là nhà mạng số, tập trung vào trải nghiệm người dùng. Reddi - Wintel được Masan mua lại để tích hợp vào hệ sinh thái WinCommerce.
Local (Asim Telecom) – đầu số 089
Là nhà mạng do Công ty Cổ phần Viễn thông ASIM (ASIM Telecom) phát triển, kết hợp cung cấp dịch vụ di động dựa trên hạ tầng của MobiFone và sử dụng đầu số 089 giống nhà mạng MobiFone. Asim Telecom phục vụ nhóm khách hàng doanh nghiệp và người lao động nước ngoài.
Digilife (VNsky - VNPay) – đầu số 0777
Cùng hệ sinh thái VNPAY, Digilife – đầu số 0777 ra mặt năm 2023 và hoạt động dưới hình thức hợp tác với Mobifone.
FPT Retail (FPT) – đầu số 0775
Ra mắt vào năm 2024, hoạt động thông qua hình thức hợp tác với Mobifone.
So với hoạt động MVNO diễn ra trên thế giới thì thị trường MVNO tại Việt Nam được đánh giá là còn rất mới vẻ và nhiều tiềm năng khái thác.
Thống kê về hoạt động phát triển MVNO trên thế giới:
Theo Bộ TT&TT, trên thế giới hiện có khoảng 1.300 Doanh nghiệp (DN) MVNO đang hoạt động tại 79 quốc gia. Hiện nay, một số quốc gia có thị phần các DN MVNO lớn như: Nhật Bản có 83 DN (thị phần 10,6%); UK có 77 DN (15,9%); Mỹ có 139 DN (4,7%); Đức có 135 DN (19,5%); Úc có 66 DN (13,1%); Hàn Quốc có 44 DN (12%)... (báo Kinhtedothi.vn)

Có khoảng 1.300 Doanh nghiệp MVNO đang hoạt động tại 79 quốc gia.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của MVNO toàn cầu:
Quy mô Thị trường Nhà khai thác Mạng Ảo Di động ước tính sẽ đạt 70,59 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 97,87 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 6,75% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).
Các công cụ hỗ trợ Công nghệ mới, như e-Sim, AI, ML và điện toán biên, đang tạo ra những cơ hội rất lớn cho MVNO.
Quay trở lại thị trường Việt Nam, Mặc dù tiềm năng là như vậy, nhưng thực tế sự phát triển của mạng di động ảo tại Việt Nam lại vô cùng khiêm tốn. Theo thống kê của Bộ TT&TT, đến ngày 30/4/2023, Việt Nam mới có khoảng 2,65 triệu thuê bao của các nhà mạng ảo tại Việt Nam, chỉ chiếm khoảng 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường di động. Đây rõ ràng là bài toán mà các DN trong lĩnh vực này cần phải tìm lời giải khi Việt Nam là một đất nước có tỷ lệ dân số trẻ, am hiểu công nghệ và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao.
Nhận xét về sự phát triển mạng di động ảo tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông ông Nguyễn Phong Nhã cho rằng, các nhà mạng ảo hiện nay có khoảng 2,5 triệu thuê bao. Đây là con số còn rất khiêm tốn. Không những thế, các dịch vụ của các nhà mạng ảo cung cấp ra xã hội cũng còn hạn chế, chưa có những dịch vụ thực sự tạo ra thế mạnh cho các MVNO. (Trích dẫn Báo kinh tế đô thị - 2023)
Những lợi thế của MVNO tại Việt Nam
Chúng ta có thể đánh giá một số lợi thế và khó khăn của các MVNO tại Việt Nam và những xu hướng chuyển dịch, phát triển trong tương lai của thị trường này.
MVNO không cần đầu tư hạ tầng mạng, chi phí thấp, gói cước cạnh tranh giúp tiết kiệm chi phí và đưa ra các gói cước rẻ hơn so với các MNO truyền thống như Viettel, Vinaphone, Mobifone.
MVNO nhắm đến phân khúc khách hàng riêng biệt, thường có chiến lược riêng như tập trung vào khách hàng trẻ, người dùng dữ liệu lớn, hoặc tích hợp với hệ sinh thái bán lẻ, fintech.

MVNO tại Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển trong tương lai.
MVNO Linh hoạt và sáng tạo trong dịch vụ có thể tạo ra các gói cước linh hoạt, ưu đãi cho các nhóm khách hàng cụ thể (như gói dành riêng cho người dùng TikTok, Facebook, YouTube…).
Thách thức của MVNO tại Việt Nam
Dù mang đến nhiều cơ hội, MVNO tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.
Hạn chế lớn nhất nằm ở việc phụ thuộc vào hạ tầng của các nhà mạng truyền thống, khiến chi phí thuê băng thông cao và biên lợi nhuận mỏng.
Do phải thuê lại mạng từ các MNO, MVNO khó kiểm soát hoàn toàn chất lượng sóng và tốc độ dữ liệu, dẫn đến trải nghiệm khách hàng không đồng đều.
Các nhà mạng lớn (Viettel, Vinaphone, Mobifone) có lợi thế thương hiệu mạnh, hệ thống phân phối rộng và gói cước cạnh tranh, khiến MVNO gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khách hàng.
So với các mô hình MVNO ở nước ngoài (như gói dữ liệu chuyên biệt, eSIM, tích hợp fintech...), các MVNO tại Việt Nam vẫn chưa khai thác nhiều dịch vụ gia tăng để tạo sự khác biệt.
Xu hướng phát triển của MVNO tại Việt Nam
Chuyển đổi số và eSIM
Sự phát triển của eSIM có thể giúp MVNO tiếp cận người dùng dễ dàng hơn mà không cần phân phối SIM vật lý.
Tích hợp với hệ sinh thái lớn
MVNO có thể kết hợp với các nền tảng thương mại điện tử, fintech (ví dụ: Reddi trong hệ sinh thái Masan) để cung cấp dịch vụ tiện ích kèm theo.
Tập trung vào dịch vụ số và phân khúc khách hàng đặc thù
Các nhà mạng MVNO có thể khai thác mạnh các dịch vụ data chuyên biệt như gói cước cho streamer, game thủ hoặc khách du lịch.
Sự phát triển của các nhà mạng ảo sẽ mang lại nhiều yếu tố tích cực hơn khi làm gia tăng sức phát triển và hoàn thiện cho thị trường di động. Việc bán lại lưu lượng theo gói cho một nhà mạng khác được xem là phương thức kinh doanh hiệu quả để các nhà mạng đi trước chia sẻ chi phí vận hành mạng lưới, rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Các mạng di động ảo MVNO cũng sẽ góp phần giúp đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực du lịch, giáo dục… các thị trường ngách mà các nhà mạng có hạ tầng không quá tập trung.
Tại Việt Nam, thị trường MVNO vẫn đang trong giai đoạn phát triển hết sức mới mẻ với nhiều tiềm năng nhưng cũng gặp không ít thách thức. Để thành công, các nhà mạng MVNO cần xây dựng mô hình kinh doanh linh hoạt, tập trung vào trải nghiệm khách hàng, đồng thời khai thác các dịch vụ số, sử dụng AI và các mô hình hợp tác chiến lược để tạo lợi thế cạnh tranh và chiếm lĩnh các thị trường ngách, phát triển thương hiệu cho riêng mình.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899