Tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt
TCDN - Tiếp nối thành công của chương trình Ngày không tiền mặt các năm trước, ngày 26/5/2023 tại Tp.HCM, Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bên phối hợp tổ chức Họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt năm 2023.
Nhiều chuyển biến rõ nét
Chương trình Ngày không tiền mặt 16/6 được phát động lần đầu tiên triển khai vào năm 2019 đến nay đã truyền tải thông điệp tích cực, góp phần lan tỏa, xây dựng thói quen thanh toán, chi trả bằng phương thức không dùng tiền mặt trong xã hội. Nhìn lại 04 năm triển khai “Ngày không tiền mặt” cho thấy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã cùng với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ đó đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).
Đến nay, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và sử dụng các phương tiện và dịch vụ thanh toán mới. Thời gian vừa qua, NHNN, Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thanh toán như: Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ 1/3/2023, Nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Dự thảo trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng…
NHNN cũng đã nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy TTKDTM, như: Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC), Thông tư hướng dẫn phát hành thẻ eKYC, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Ngoài ra, NHNN cũng đã thành lập Tổ công tác và Ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử trong năm qua tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Trong 3 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, hoạt động TTKDTM tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) tăng trên 8% về giá trị, số lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng gần 71% về số lượng và tăng trên 18% về giá trị.
Đến cuối tháng 3/2023, toàn thị trường có 21.347 máy ATM và có 430.625 máy POS, tăng tương ứng 3,88% và 26,34% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng giao dịch qua POS tăng trên 37% về số lượng và tăng trên32% về giá trị, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm trên 4% về giá trị, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ rút tiền mặt sang TTKDTM.
Song song đó, các dịch vụ thanh toán trực tuyến phát triển mạnh mẽ, những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)… đã được các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn, giá trị thiết thực cho khách hàng. Qua đó góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân và doanh nghiệp.
Hướng tới không dùng tiền mặt
Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục áp dụng một số giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM, điển hình, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, thúc đẩy TTKDTM đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM và các văn bản hướng dẫn Nghị định 101, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hang. Đồng thời, chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của NHNN về ứng dụng/chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy triển khai Đề án 06.
Song song đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án của Chính phủ, của ngành Ngân hàng về TTKDTM và chuyển đổi số. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, thiết lập hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy kết nối liên thông mang lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động; triển khai hiệu quả việc thí điểm dịch vụ Mobile-Money nhằm thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng đi cùng với công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin khách hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899