Tiết giảm tối đa chi thường xuyên, chống tiêu cực, lãng phí trong thu, chi ngân sách nhà nước

08/05/2021, 09:29

TCDN - Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tiết giảm tối đa chi thường xuyên; chống tiêu cực, lãng phí trong thu, chi ngân sách nhà nước.

Giải ngân vốn đầu tư công phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không để tồn đọng.

Giải ngân vốn đầu tư công phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không để tồn đọng.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2021, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 01/1/2021, số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 và các nghị quyết khác của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó tập trung những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả trong hành động. Tập trung rà soát, có biện pháp kịp thời, hiệu lực tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực hiệu quả phục vụ phát triển đất nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh. Tích cực chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch.

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo hướng đúng tiến độ, nhưng phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không để tồn đọng; khẩn trương tổng kết, đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định.

Đề xuất việc phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thành lập, đầu tư, mở rộng khu công nghiệp, báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng 6 năm 2021. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả còn thiếu vốn để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao. Rà soát kịch bản tăng trưởng trong quý II năm 2021 và những quý còn lại để đôn đốc các ngành, địa phương có những giải pháp phù hợp bảo đảm tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt mục tiêu đề ra.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tiết giảm tối đa chi thường xuyên; chống tiêu cực, lãng phí trong thu, chi ngân sách nhà nước, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm; đẩy mạnh việc thu ngân sách ở tất cả các tỉnh, thành phố, nhất là từ các nguồn thu bền vững, ổn định; xây dựng Đề án đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách Nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động, tích cực của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là cơ chế, chính sách nuôi dưỡng nguồn thu, báo cáo Thường trực Chính phủ và Chính phủ trước ngày 25/5/2021.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là hiện tượng tăng giá các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong thời gian qua, kịp thời đề xuất biện pháp để bảo đảm kiểm soát lạm phát.

Chính phủ yêu cầu thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ yêu cầu thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Triển khai giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, ổn định tỷ giá và thị trường tiền tệ, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là việc thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan, địa phương thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các loại nông sản vào mùa thu hoạch lớn.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại, phấn đấu vượt mức kế hoạch đề ra; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là các dự án năng lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh cung ứng điện; vận hành hệ thống điện quốc gia bảo đảm hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân; sớm xây dựng, hoàn thành Quy hoạch điện VIII để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2021. Tham mưu, tổ chức thực thi có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định EVFTA, CPTPP; hoàn thành các thủ tục trình phê chuẩn Hiệp định RCEP.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm gồm: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, các đoạn cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ...; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất xây dựng các dự án ưu tiên của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Cần Thơ - Cà Mau, Cần Thơ - Châu Đốc, Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên, khu vực Tây Bắc.

Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải được yêu cầu phối hợp với các địa phương liên quan triển khai các dự án thành phần đường vành đai 3, 4 của thành phố Hồ Chí Minh, vành đai 4, 5 vùng Thủ đô Hà Nội bằng nguồn vốn nhà nước và các nguồn hợp pháp khác, nhất là hình thức PPP.

Chính phủ kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong các dự án giao thông; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường thủy nội địa, hệ thống cảng biển, mạng lưới đường sắt, hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm gắn kết, hiệu quả. Đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ điều kiện năng lực là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện và quản lý các dự án giao thông.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Tiết giảm tối đa chi thường xuyên, chống tiêu cực, lãng phí trong thu, chi ngân sách nhà nước tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chống tham nhũng, lãng phí trong giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bằng các giải pháp cụ thể và với tinh thần trách nhiệm của mình quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, không để tồn đọng; giải ngân bảo đảm tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tập trung đảm bảo cân đối ngân sách
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung đảm bảo cân đối ngân sách, giữ bội chi, tăng chi cho đầu tư, đảm bảo chi cho an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, đảm bảo nguồn cho các dự án đầu tư trọng điểm, có tính đột phá, thúc đẩy tăng trưởng.