Tiêu dùng nội địa yếu: Tử huyệt của Trung Quốc

05/08/2020, 13:26

TCDN - Nhận thấy tình trạng bất ổn trên thị trường quốc tế, bộ máy lãnh đạo Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược tập trung tiềm lực vào thị trường nội địa nhằm phục hồi nền kinh tế, song sức mua yếu trong nước có thể phá hủy chiến lược ấy.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ dựa nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước và những công nghệ nội địa trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang.

Song chủ trương tăng trưởng dựa trên nhu cầu nội địa của Bắc Kinh sẽ phải vượt qua vô vàn trở ngại do nhu cầu nội địa kém và sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào nền kinh tế, theo South China Morning Post.

Hồi tuần trước, Bộ Chính trị Trung Quốc - cơ quan tối cao của Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc - đã ban hành chiến lược lưu thông kép. Trung Quốc sẽ vẫn hướng ra thị trường quốc tế, nhưng dựa vào tiêu dùng trong nước nhiều hơn và sử dụng các công nghệ do doanh nghiệp nội địa tự phát triển.

Nhưng tình trạng bất ổn cũng đang lan rộng khắp thị trường nội địa Trung Quốc. Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia cho thấy, tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc, bao gồm tiêu dùng cá nhân và mua sắm của chính phủ, đã giảm 11,4% trong nửa đầu năm. Tổng mức chi tiêu quốc gia giảm còn 17.200 tỉ nhân dân tệ (2.400 tỉ USD) do ảnh hưởng từ cú sốc COVID-19.

china
nguoi tieu dung 1

Với dân số 1,4 tỉ người, tổng chi tiêu của người tiêu dùng ở Trung Quốc chỉ là 13.600 tỉ USD - thấp hơn 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Ảnh: Business InsiderChi tiêu dành cho tiêu dùng bình quân đầu người giảm 5,9%, đạt mức 9.718 nhân dân tệ (1.392 USD) trong nửa đầu năm. Như vậy, với dân số 1,4 tỉ người, tổng chi tiêu của người tiêu dùng ở Trung Quốc chỉ là 13.600 tỉ USD - thấp hơn 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.

Ông Fu Peng, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của công ty chứng khoán Northeast Securities, chỉ ra rằng sức tiêu thụ của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với khả năng sản xuất của nền kinh tế

"Người tiêu dùng Trung Quốc không thể chi tiền nhiều hơn bởi gánh nặng thế chấp, nỗi lo công việc bất ổn và triển vọng thu nhập thấp", ông Fu lập luận.

Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia nhận định tỉ lệ đòn bẩy tài chính hộ gia đình ở Trung Quốc đã tăng từ 55,8% lên 59,7% GDP vào cuối tháng 6, khi tỉ lệ khoản vay thế chấp tại các ngân hàng Trung Quốc tăng lên trong khi tín dụng tiêu dùng giảm.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất trong nước buộc phải dựa vào đơn hàng quốc tế bởi nhu cầu nội địa eo hẹp. Năm ngoái Trung Quốc sản xuất 85 triệu lò vi sóng, nhưng họ xuất khẩu tới 60 triệu lò sang nước ngoài.

Bên cạnh đó, khoảng cách giàu nghèo ở quốc gia đông nhất nhất thế giới cũng đang thuộc nhóm rộng nhất hành tinh. Đa số người dân Trung Quốc đang chật vật mưu sinh với nguồn thu nhập rất thấp. 

He Keng, một cựu đại biểu quốc hội Trung Quốc, nhắc lại rằng hơn 1,1 tỉ người không thuộc tầng lớp trung lưu và việc Bắc Kinh tuyên bố Trung Quốc đã trở thành một "xã hội tương đối toàn diện" là hành động vội vã.

Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia cho thấy Trung Quốc có khoảng 400 triệu người thu nhập từ 2.000 - 5.000 nhân dân tệ/tháng (6,5 - 16,5 triệu VND) - thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội. Số người có thu nhập thấp dưới 1.000 nhân dân tệ/tháng (3,4 triệu VND) là 600 triệu người.

Định hướng của Trung Quốc trong chiến lược lưu thông kép sẽ là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nhằm khơi dậy nhu cầu trong nước. Đây là bài học từng rất thành công của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế học tại Capital Economics nhận định mục tiêu tăng nhu cầu nội địa sẽ rất khó khăn nếu Trung Quốc vẫn bám theo mô hình phát triển truyền thống.

"Lẽ ra phải thay đổi định hướng, Trung Quốc lại đang tăng cường mô hình chính phủ can thiệp sâu vào kinh tế hiện nay", nhà kinh tế học nhận xét.

Khải Hoàn
Bạn đang đọc bài viết Tiêu dùng nội địa yếu: Tử huyệt của Trung Quốc tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan