Tình hình kinh doanh của Đồng Tâm Group ra sao trước khi hủy tư cách công ty đại chúng?

31/01/2023, 10:06
báo nói -

TCDN - Tập đoàn Đồng Tâm của ông bầu Câu lạc bộ bóng đá Đồng Tâm Long An – Võ Quốc Thắng chính thức hủy tư cách công ty đại chúng do 7 cổ đông lớn của công ty đã nắm giữ hơn 90,4% số lượng cổ phần.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo, từ ngày 30/12/2022, Công ty Cổ phần Đồng Tâm do ông Võ Quốc Thắng làm đại diện pháp luật đã chính thức hủy tư cách công ty đại chúng do số lượng cổ đông lớn nắm chi phối hơn 90% vốn. 

Theo thông tin từ Đồng Tâm Group, thời điểm cuối tháng 3 năm 2022, công ty có tổng cộng 1.077 cổ đông đại diện sở hữu cho hơn 68 triệu cổ phần (tương ứng vốn điều lệ 681 tỷ đồng). Trong đó, 4 cổ đông lớn nắm giữ gần 50,6 triệu cổ phần, tương đương gần 74,5% tổng số cổ phần đang lưu hành.

Đồng Tâm Group gắn liền với tên tuổi bầu Thắng và thương hiệu gạch Đồng Tâm. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này hơn 110 tỷ đồng.

Đồng Tâm Group gắn liền với tên tuổi bầu Thắng và thương hiệu gạch Đồng Tâm. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này hơn 110 tỷ đồng.

Đến giai đoạn 29/8-14/9/2022, công ty đón thêm 3 cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Bất động sản Phúc Lâm, ông Lê Võ Mạnh Cường và Công ty TNHH Truyền thông Nhà và Đất. 

Như vậy, theo cơ cấu này, nhóm 7 cổ đông lớn của công ty đã nắm giữ hơn 90,4% số lượng cổ phần. Điều này dẫn đến doanh nghiệp không còn đáp ứng được một trong hai điều kiện trở thành công ty đại chúng là "có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ". 

Do đó, tháng 9 năm 2022, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Đồng Tâm Group đã thông qua phương án hủy đăng ký công ty đại chúng. 

Đồng Tâm Group được sáng lập bởi ông Võ Quốc Thắng, thường được gọi là bầu Thắng. Hoạt động chính là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; kinh doanh bất động sản, khai thác cảng biển, cho thuê đất trong khu công nghiệp, liên doanh Cà phê Ông Bầu...

Dự án Cảng quốc tế Long An là một trong những dự án trọng điểm Đồng Tâm Group làm chủ đầu tư, chính thức xây dựng từ năm 2015.

Dự án Cảng quốc tế Long An là một trong những dự án trọng điểm Đồng Tâm Group làm chủ đầu tư, chính thức xây dựng từ năm 2015.

Doanh nghiệp này nổi tiếng với các dự án như Cảng quốc tế Long An, dự án Khu đô thị Đông Nam Á Long An, Khu dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á Long An, Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An, Đồng Tâm House... 

Theo báo cáo niên độ 2021-2022 (1/4/2021-31/3/2022), công ty của bầu Thắng vẫn duy trì được mức doanh thu quanh 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận có sự tăng trưởng 26% đạt hơn 110 tỷ đồng. 

Tính đến tháng 3/2022, quy mô tổng tài sản của Đồng Tâm Group đã tăng lên gần 7.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 1.500 tỷ đồng, bằng 20% tổng tài sản. Phần lớn tài sản nằm ở khoản phải thu ngắn hạn (2.029 tỷ), hàng tồn kho (1.513 tỷ), đầu tư chứng khoán (411 tỷ) và các tài sản dài hạn khác. Con số tài sản của Đồng Tâm có sự nhảy vọt trong vòng 4 năm, từ năm 2018 đến nay.  

Theo website của doanh nghiệp, Đồng Tâm hiện sở hữu 14 công ty thành viên, trải dài trong các lĩnh vực: vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; kinh doanh bất động sản, đầu tư, khai thác cảng biển, xây dựng và cho thuê đất trong khu công nghiệp, cho thuê nhà xưởng. Ngoài ra còn có các công ty liên kết trong mảng giáo dục, dịch vụ, thương mại... 

Hiện tại, Đồng Tâm Group có một số dự án trọng điểm đang trong giai đoạn thực hiện gồm: dự án khu dân cư Bắc Lê Lợi – Thành phố Quảng Ngãi với quy mô hơn 7,5 ha; dự án khu trung tâm hành chính tỉnh Long An (Green City) với quy mô 76,6 ha; dự án Đồng Tâm House có quy mô 14.660 m2. 

Cùng với đó là: dự án khu đô thị Đông Nam Á Long An với quy mô 1.145 ha; dự án khu dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á Long An có quy mô 239 ha; dự án KCN Đông Nam Á Long An 396ha và dự án Cảng quốc tế Long an 145ha. 

Trong mảng giáo dục, dịch vụ, thương mại, một trong những đơn vị liên kết được chú ý nhất của Đồng Tâm Group phải kể đến cà phê ông Bầu. Thương hiệu này được sáng lập bởi 3 doanh nhân gắn liền với bóng đá Việt Nam là Bầu Đức (HAGL), Bầu Thắng (Đồng Tâm), Bầu Hải (Nutifood) với mục tiêu có hàng nghìn cửa hàng trên toàn quốc.

Hồi tháng 12/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 410/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Đồng Tâm Group với số tiền là 60 triệu đồng. 

Nguyên nhân là Đồng Tâm Group đã có hành vi vi phạm hành chính bao gồm báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Cụ thể, doanh nghiệp này đã báo cáo không đúng thời hạn với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các tài liệu: báo cáo thường niên năm 2020 và năm 2021; báo cáo quản trị công ty năm 2020; giải trình chênh lệch từ 10% trở lên lợi nhuận sau thuế năm 2021 so với năm 2020. 

Đồng Tâm Group cũng báo cáo không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật về danh sách người có liên quan của công ty và giao dịch giữa công ty với người có liên quan của công ty tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021.  

Trong niên độ tài chính 2022-2023 (1/4/2022 - 31/3/2023), Đồng Tâm Group đặt kế hoạch về doanh thu là 2.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cao gấp đôi lên 225 tỷ đồng.

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Tình hình kinh doanh của Đồng Tâm Group ra sao trước khi hủy tư cách công ty đại chúng? tại chuyên mục Nhịp cầu doanh nghiệp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan