Tràn lan hàng giả, hàng nhái dán nhãn "Made in Vietnam"
TCDN - Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam nhưng thực tế là mang hàng hóa đã sản xuất sang dán nhãn “Made in Vietnam” gây khó khăn cho người tiêu dùng.
Lợi dụng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Phát biểu tại Diễn đàn phòng, chống hàng giả, hàng nhái :"Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp" sáng 27/11, ông Nguyễn Minh Thông, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công An cho rằng hiện nay nhiều đối tượng sử dụng những phương thức, thủ đoạn mới trong vấn đề hàng giả, hàng nhái.
Đơn cử như tình trạng nhiều doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam nhưng thực tế là mang sản phẩm đã sản xuất sang rồi dán nhãn “Made in Vietnam”. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối ra thị trường những sản phẩm không đủ hàm lượng, thành phần như hồ sơ được cơ quan chức năng phê duyệt...
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương hàng giả, hàng nhái hiện nay tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính: đồ công nghệ, điện tử; quần áo, giầy dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình.
Hành vi vi phạm phổ biến: hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ; giả mạo tên miền, website, KOLs; giả mạo tem nhãn, chất lượng… Giả mạo về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; lợi dụng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…
Đặc biệt, vi phạm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: mua hàng A nhưng giao hàng B; chất lượng hàng hóa lỗi, hỏng; hàng giả, hàng nhái; mua hàng không giống mô tả; giao hàng chậm trễ; đặt hàng thành công nhưng báo hết hàng…
Tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Theo ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, trong 10 tháng đầu năm 2020, đơn vị này nhận được 176 khiếu nại của người tiêu dùng, tăng so với cùng kỳ năm 2019.
Nội dung khiếu nại chủ yếu: hàng không có nhãn phụ, không có thông tin về nhà sản xuất; hàng kém chất lượng, khác so với quảng cáo; hàng giả mạo thương hiệu, nguồn gốc; hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trong giao dịch thương mại điện tử.
Lý giải về tình trạng trên, bà Huyền thừa nhận việc quản lý đang gặp khó khăn: Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi: Online, phân tán hàng hóa,… khó thu thập chứng cứ vi phạm, đối tượng vi phạm.
Đáng chú ý, nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều người biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kĩ năng và thông tin để nhận biết. Nhận thức doanh nghiệp chưa đầy đủ, chưa phối hợp, kinh doanh chộp giật, lợi dụng phương thức kinh doanh. Cán bộ thực thi công vụ: Năng lực chuyên môn, kĩ thuật để nhận biết, kinh nghiệm còn thiếu…
Làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Ông Nguyễn Xuân Khương, Phó Đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính cho rằng, Việt Nam đã và đang chịu tác động bởi các Hiệp định thương mai tự do (FTA), do đó hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cơ quan này đã kiểm tra là 78 doanh nghiệp, tổng số trị giá hàng xuất khẩu là 647 tỷ đồng, phát hiện 391 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) giả và 1.894 C/O không đủ điều kiện.
Đặc biệt cuối năm 2019 lực lượng Hải quan đã phát hiện một Công ty Cổ phần có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để cấp C/O xuất khẩu cho 33 doanh nghiệp, với trị giá hàng vi phạm khoảng 600 tỷ đồng.
“Đây là một thủ đoạn gian lận mới, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam, vụ việc đã được Cục Điều tra CBL chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố điều tra làm rõ về tội “Giả mạo trong công tác” Điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)”, ông Khương nói.
Theo ông Khương, để giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cơ quan Hải quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu), Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội ngành hàng... để thực hiện kiểm tra, đối chiếu nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ theo từng lô hàng; phối hợp với các Hiệp hội để thực hiện đánh giá năng lực sản xuất, xuất khẩu của từng ngành hàng, xác định các mặt hàng xuất nhập khẩu có hiện tượng tăng đột biến, xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận cho cán bộ, công chức hải quan; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, phối hợp tốt trong hoạt động hợp tác Quốc tế, chủ động sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ với cơ quan Hải quan các nước và Văn phòng liên lạc tình báo khu vực Châu Á Thái Bình Dương (có trụ sở ở Trung Quốc) để kịp thời thu thập thông tin và phối hợp xác minh C/O có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899