Triết lý "trốn thuế mới là khôn ngoan" của người Mỹ

19/10/2020, 20:08

TCDN - Ở Mỹ, chỉ những người rất khôn ngoan mới có thể hiểu luật, lách luật và tránh được gánh nặng thuế, còn những người khác phải chịu thiệt.

Trong những năm trước khi đắc cử tổng thống lần đầu, tỉ phú Donald Trump tận hưởng cuộc sống vương giả và chỉ phải đóng số tiền thuế cực nhỏ so với thu nhập của ông. 

Theo bài báo mới đây của tờ New York Times (NYT), trong 15 năm trước khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông Trump không nộp đồng thuế thu nhập liên bang trong 10 năm. Trong năm thắng cử 2016 và năm đầu nhiệm kì 2017, ông Trump chỉ phải nộp 750 USD tiền thuế mỗi năm.

Vụ việc về tiền thuế của ông Trump thu hút sự chú ý của công chúng, một phần vì ông là Tổng thống của quốc gia lớn mạnh nhất thế giới. Nhưng dù không kể đến chức vị thì câu chuyện vẫn rất đáng bàn luận: Một tỉ phú với thu nhập hàng trăm triệu USD mỗi năm, sống trong nhung lụa xa hoa nhưng nhiều năm trời không nộp đồng thuế thu nhập liên bang nào.

Ví dụ này cho thấy sự bất bình đẳng ghê gớm của bộ luật thuế cũng như sự bát nháo của các cơ quan hành pháp tại Mỹ.

Trump 3

Mức thuế cao nhất trong biểu thuế thu nhập lũy tiến liên tục được hạ thấp trong những thập kỉ qua, và đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chính là người giàu. 

Theo tờ New York Times, vào năm 1950, nhóm 400 gia đình giàu có nhất nước Mỹ phải nộp tổng số thuế liên bang, bang và địa phương tương đương 70% thu nhập. Sang thập niên 1980, con số này giảm còn 47% và đến năm 2018 chỉ còn 23%. Mức giảm chủ yếu đến từ chính quyền liên bang.

Các doanh nghiệp có nhiều thủ thuật để giảm số thuế phải nộp, như dùng khoản thua lỗ trong quá khứ để bù trừ thu nhập hiện tại, hoãn ghi nhận lợi nhuận hoặc giấu lợi nhuận đi. Những nhà đầu tư bất động sản còn được phép khấu hao giá trị của một tòa nhà – tức là ghi nhận lỗ - trong khi thực tế là giá trị tòa đang tăng lên.

"Tôi rất thích khấu hao", ông Trump nói khi tranh cử tổng thống năm 2016. Khi đối thủ Hillary Clinton bày tỏ nghi ngờ rằng ông Trump cố sức giấu hồ sơ thuế vì ông không nộp đồng thuế nào cho chính phủ, vị tỉ phú thản nhiên đáp lại: "Tôi không phải nộp thuế chứng tỏ tôi rất khôn ngoan".

Quả thực chỉ có những người rất khôn ngoan mới có thể hiểu luật, lách luật và tránh được gánh nặng thuế.

Bộ luật thuế của Mỹ dài hơn 70.000 trang, năm nào cũng có sửa đổi, bổ sung, thêm bớt. Chính các nhà làm luật và người chịu trách nhiệm thu thuế cũng không thể nắm rõ mọi qui định.

Đối với các doanh nghiệp lớn và người giàu như ông Trump, việc đóng thuế đã trở thành một cuộc chiến giữa các chuyên gia của chính phủ và các chuyên gia của bên nộp thuế.

Cuộc chiến ngày càng trở nên không cân sức. Người giàu càng giàu thêm trong khi Tổng vụ thuế (IRS) ngày càng nhỏ. Đảng Cộng hòa trong quốc hội Mỹ đã cắt giảm ngân sách dành cho IRS, khiến cơ quan này mất cả nguồn lực, chuyên môn lẫn thẩm quyền. Số kiểm toán viên của IRS từ năm 2010 đến nay đã giảm 1/3.

Số người mà chính phủ Mỹ thuê để truy lùng những kẻ trốn thuế hiện ở mức thấp nhất kể từ thập niên 1950.

Theo thống kê của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), năm 2018 chỉ có khoảng 0,6% tiền thuế thu nhập cá nhân được kiểm toán, giảm 46% so với năm 2010. Tính riêng trong nhóm triệu phú, mức giảm của tỉ lệ kiểm toán lên tới 61%.

Trùm tội phạm Willie Sutton từng nói rằng ông ta cướp ngân hàng vì đó là nơi có nhiều tiền nhất. Sở Thuế vụ (IRS) thì lại đuổi theo những người không có tiền. Theo tờ ProPublica, những năm qua số vụ kiểm toán giới siêu giàu và doanh nghiệp lớn lao dốc trong khi số vụ kiểm toán tầng lớp nghèo và trung lưu vẫn tương đối cao.

Tờ New York Times nhận định: Sở Thuế vụ Mỹ biết rằng nhằm vào dân thường sẽ dễ dàng hơn nhiều so với tầng lớp thượng lưu có các chuyên gia thuế vây quanh. Hệ quả là trong 10 năm tới, chính phủ Mỹ sẽ thất thu khoảng 7.500 tỉ USD tiền thuế.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Triết lý "trốn thuế mới là khôn ngoan" của người Mỹ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan