Vì sao xuất khẩu của Tp.HCM giảm mạnh nhất trong 22 năm?

21/04/2023, 12:15
báo nói -

TCDN - Tổng kết quý 1, kim ngạch xuất khẩu của Tp.HCM ước đạt hơn 13 tỷ USD, giảm gần 17% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 22 năm nay của Tp.HCM.

Theo số liệu từ Sở Công Thương Tp.HCM, tổng kết quý 1/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Tp.HCM đạt 28,34 tỷ USD, giảm 18,68% so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 34,85 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 15,31 tỷ USD, giảm 19,31% tương đương 3,66 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 13,02 tỷ USD, giảm 17,92% tương đương 2,85 tỷ USD.

Tình trạng sụt giảm đơn hàng từ thị trường quốc tế là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu của Tp.HCM quý 1 giảm mạnh nhất trong vòng 22 năm nay.

Tình trạng sụt giảm đơn hàng từ thị trường quốc tế là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu của Tp.HCM quý 1 giảm mạnh nhất trong vòng 22 năm nay.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết chưa khi nào hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp gặp khó như năm nay. Kim ngạch xuất khẩu giảm đều ở hầu hết ngành nghề từ dệt may, nông lâm thuỷ sản cho tới chế biến gỗ. 

Theo ông Phương, kim ngạch xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế thành phố bị ảnh hưởng do sự sụt giảm đơn hàng từ thị trường thế giới. Tình trạng khó khăn có thể tiếp diễn đến giữa năm 2023. Lãnh đạo Tp.HCM lo ngại nếu để tình trạng này tiếp diễn, kết quả kinh tế thành phố cả năm sẽ không khả quan. 

Thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA), những ngành nghề xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh gồm có: ngành dệt may giảm 8% so với cùng kỳ 2022, ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ giảm khoảng 15%. Trong đó, các sản phẩm dăm, viên nén, pallet; đồ gỗ giảm đến 45%. 

Tuy có sự tăng trưởng ở một số sản phẩm đồ uống và thực phẩm nhưng toàn ngành chế biến lương thực thực phẩm lại sụt giảm khoảng 2% doanh số trong quý vừa qua. Theo dự báo của các chuyên gia, trong quý tới,  xuất khẩu ngành này ước giảm khoảng 4% do sức mua trên toàn cầu yếu. 

Trong khi đó, ngành cơ khí điện có tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50%, hay đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ giảm 30-40%. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí sản xuất để tồn tại. 

Ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% doanh nghiệp trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có gì thay đổi. 

Để cải thiện tình hình xuất khẩu giảm mạnh trong thời gian qua, các ban ngành thời gian qua đã liên tục tính các phương án để giúp Tp. HCM lấy lại vị trí dẫn đầu. Trong đó, việc tổ chức hội chợ xuất khẩu đa ngành là phương án tối ưu nhất mà Sở Công Thương Tp.HCM đề xuất và đã được UBND Tp.HCM thông qua.

Đây sẽ là hội chợ xuất khẩu đa ngành đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam, diễn ra trong tháng 5. Nhà nước sẽ cùng các hiệp hội ngành nghề đồng tổ chức các diễn đàn, chuyến tham quan nhà máy, kết nối xúc tiến thương mại giữa nhà bán hàng lớn trên thế giới với doanh nghiệp Việt Nam. Song song đó, các bên sẽ cùng thảo luận và tìm ra các giải pháp lâu dài để vực dậy hoạt động xuất khẩu của thành phố. Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp 50% chi phí tham gia gian hàng (tương ứng 12 triệu đồng một gian hàng).   

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Vì sao xuất khẩu của Tp.HCM giảm mạnh nhất trong 22 năm? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức
Trước biến động của tình hình kinh tế thế giới, lạm phát ở mức cao tại nhiều quốc gia, sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Nửa tháng, xuất khẩu hàng hóa tăng hơn 3 tỷ USD
Trong nửa cuối tháng 3, trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt 16,38 tỷ USD, tăng 22,8% (tương ứng tăng 3,05 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 3/2023, theo Tổng cục Hải quan.
Giá gạo xuất khẩu dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao
Giá gạo xuất khẩu tiếp tục duy trì ổn định ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu lớn lương thực để dự trữ và ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu, theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.