Vinachem, Vinataba được quyết định đầu tư mà không cần chờ "ý kiến bằng văn bản" của Siêu ủy ban
TCDN - Đó là nội dung sửa đổi trong Quyết định mới của Siêu Ủy ban phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của Công ty mẹ - Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) và Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu ủy ban) vừa có các Quyết định số 497 và 498/QĐ-UBQLV về việc sửa đổi Khoản 3 và 4 Điều 2 Quyết định số 103 và 104/QĐ-UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của Công ty mẹ - Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) và Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Theo các nội dung sửa đổi, việc phê duyệt các dự án đầu tư, lộ trình thoái vốn của các doanh nghiệp… không cần phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Siêu Ủy ban.
Cụ thể, Quyết định 497/QĐ-UBQLV về việc sửa đổi Khoản 3 và 4 Điều 2 Quyết định số 104/QĐ-UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nêu rõ: Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam... Chỉ quyết định các dự án cần thiết, phù hợp khả năng triển khai, thực hiện và giải ngân trong năm 2020; tập trung nguồn vốn, nhân lực để triển khai đầu tư các dự án đúng tiến độ và thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư đối với các công trình dự án đã hoàn thành. Đối với các dự án đầu tư mới phải thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật và phải bảo đảm hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Khoản 4 Điều 2 yêu cầu: "Đối với các doanh nghiệp nằm trong danh mục thực hiện thoái vốn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, Hội đồng thành viên căn cứ quy định pháp luật xây dựng phương án, lộ trình và xử lý dứt điểm các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trước khi thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp; việc thoái vốn phải đúng quy định, đảm bảo công khai minh bạch theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo hiệu quả tối đa lợi ích của cổ đông nhà nước và vốn đã đầu tư, thu hồi công nợ của Tập đoàn (nếu có), hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, thực hiện chế độ, quyền lợi hợp pháp của người lao động trước khi thoái vốn; sử dụng nguồn tiền thu được từ việc thoái vốn hiệu quả và đúng mục đích".
Đối chiếu với Quyết định cũ, Quyết định mới giao quyền quyết định cho Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho thấy Siêu ủy ban đã giao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp không cần chờ "Ủy ban có ý kiến chấp thuận bằng văn bản" như quy định cũ.
Quyết định 104/QĐ-UBQLV ngày 4/3/2020 phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, tại khoản 3 nêu: "Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam... Chỉ quyết định các dự án cần thiết, phù hợp khả năng triển khai, thực hiện và giải ngân trong năm 2020 và được Ủy ban có ý kiến bằng văn bản về chủ trương đầu tư cho từng trường hợp cụ thể trước khi thực hiện".
Tại khoản 4 Điều 2 nêu: "Đối với các doanh nghiệp nằm trong danh mục thực hiện thoái vốn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, Hội đồng thành viên phải xây dựng phương án chi tiết và lộ trình cho từng trường hợp cụ thể trình Ủy ban chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện".
Bên cạnh đó, Siêu Ủy ban cũng có Quyết định 498/QĐ-UBQLV về việc sửa đổi Khoản 3 và 4 Điều 2 Quyết định số 103/QĐ-UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của Công ty mẹ - Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Quyết định sửa đổi với nội dung tương tự như của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899