Vướng mắc liên quan đến nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công

19/04/2023, 14:56
báo nói -

TCDN - Bộ Tài chính giải đáp vướng mắc liên quan đến nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công.

Hỏi: Tôi công tác tại Phòng Tài chính Kế hoạch thành phố Phú Quốc. Tôi thắc mắc liên quan đến nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công như sau:

- Thứ 1: UBND thành phố Phú Quốc bố trí vốn ngân sách nhà nước từ nguồn chi thường xuyên để thực hiện việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công (theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ).

- Thứ 2: UBND thành phố Phú Quốc bố trí nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp (theo Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính).

Tôi xin hỏi, đối với các dự toán mua sắm hoặc dự toán sản phẩm dịch vụ công ích sử dụng từ 02 nguồn vốn nêu trên thì có phải là dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công hay không? Nếu trường hợp không phải thì nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công bao gồm những nguồn vốn nào?

Trả lời: 

1. Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên quy định:

“Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công

1. Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên trong các lĩnh vực sự nghiệp và các hoạt động kinh tế theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, trong đó:

a) Kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của các bộ, cơ quan trung ương từ nguồn ngân sách trung ương;

b) Kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của địa phương từ nguồn ngân sách địa phương.”

       - Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp quy định:

         “Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

2. Nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, gồm:

a) Nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả nguồn bổ sung trong năm);

…”

Theo đó, nguồn kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công (giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu) theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 và mua sắm tài sản, hàng hoá dịch vụ theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, tại Điều 1 và Điều 2 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 và Thông tư số Thông tư số 58/2016/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 68/2022/TT-BTC ngày 11/11/2022 của Bộ Tài chính đã quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

2. Về nội dung câu hỏi của độc giả liên quan đến khái niệm, phạm vi vốn nhà nước ngoài đầu tư công.

- Theo quy định tại Điểm 44 Điều 4 của Luật Đấu thầu: Vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước; công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất.

- Điểm 22 Điều 4 Luật Đầu tư công quy định: Vốn đầu tư công quy định tại Luật này bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Theo đó, đề nghị độc giả nghiên cứu các quy định nêu trên để xác định nguồn vốn theo quy định.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu; Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Xây dựng (Tại khoản 4, điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 7, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 có nhắc đến khái niệm vốn nhà nước ngoài đầu tư công “b) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật có liên quan (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công), chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng”). Do đó, về “nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công”, đề nghị bạn đọc hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng để có hướng dẫn cụ thể.

PV
Bạn đang đọc bài viết Vướng mắc liên quan đến nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công tại chuyên mục Hỏi - Đáp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan