An Giang: Xây dựng và phát triển mô hình làng văn hóa các dân tộc phục vụ du lịch

16/01/2024, 10:37
báo nói -

TCDN - Ngày 12/1, tại Tp. Long Xuyên, Sở Khoa học Công nghệ An Giang và Sở VHTTDL An Giang phối hợp với Viện Công nghệ cao Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM (HUTECH) tổ chức Hội thảo khoa học liên quan đến Nghiên cứu đề xuất, xây dựng Đề án Làng văn hóa 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ du lịch.

Nhiều tiềm năng

An Giang từ lâu đã được biết đến như một vùng đất giàu tiềm năng du lịch, có 4 dân tộc: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cùng sinh sống chan hòa với nhau, mang trong mình một bản sắc đặc trưng riêng, tạo nên sự cộng hưởng trên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội và làm nên sự đa dạng văn hóa trên địa bàn.

PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng trình bày các phương án xây dựng mô hình làng văn hóa 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ du lịch An Giang

PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng trình bày các phương án xây dựng mô hình làng văn hóa 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ du lịch An Giang

PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, Trưởng khoa Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM (Chủ nhiệm Đề tài Nghiên cứu đề xuất, xây dựng Đề án Làng văn hóa 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ du lịch tỉnh An Giang) cho rằng, “để thúc đẩy du lịch An Giang cần có giải pháp hiệu quả và thiết thực hơn nữa, đặc biệt là khai thác các giá trị văn hóa của 4 dân tộc: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer phục vụ du lịch.

Điều này không chỉ đóng góp cho hoạt động du lịch mà còn góp phần quảng bá cho du khách trong và ngoài nước biết tới, ngưỡng mộ, yêu mến con người và vùng đất An Giang, đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia vững chắc, tin cậy, làm đòn bẩy thúc đẩy các mối quan hệ chính trị, ngoại giao; giao lưu kinh tế, thương mại và sự quan tâm đối với các lĩnh vực liên quan khác”.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tấn Thanh, Trường Đại học Trà Vinh cũng cho rằng, số lượng du khách đến An Giang là khá lớn, số lượng các làng nghề cũng khá nhiều nhưng chủ yếu là khách tham quan trong ngày, nguồn tài nguyên du lịch văn hóa bốn dân tộc chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng, ngày càng có nguy cơ bị mai moột và sẽ mất dần theo thời gian.

An Giang sở hữu các giá trị tài nguyên du lịch văn hóa có tính hấp dẫn cao, gắn liền với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của cộng đồng các dân tộc, như: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer sinh sống lâu đời. Nhiều giá trị văn hóa của tỉnh nổi bật so với các địa phương khác trong vùng.

Nhiều ý kiến đồng ý với phương án xây dựng mô hình làng văn hóa 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ du lịch An Giang

Nhiều ý kiến đồng ý với phương án xây dựng mô hình làng văn hóa 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ du lịch An Giang

Sự hình thành của “Làng văn hóa” sẽ tác động trực tiếp đến phát triển du lịch của tỉnh An Giang nói riêng và của tiểu vùng duyên hải phía Tây đồng bằng sông Cửu Long nói chung thông qua 3 tác động rõ rệt là tăng nguồn thu, tạo việc làm và phát triển khu vực thông qua phát triển hạ tầng, đẩy mạnh đầu tư và giao lưu liên vùng.

Về vị trí xây dựng làng văn hoá 4 dân tộc này, theo TS Thanh, với những lợi thế hiện có cho thấy khu vực Núi Sam, thành phố Châu Đốc là nơi có đủ các điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng và phát triển làng văn hóa người Kinh, Tp. Long Xuyên sẽ là địa điểm thuận lợi với các điều kiện vật chất, văn hóa hiện có để xây dựng và phát triển làng văn hóa Người Hoa, Châu Phong (Thị xã Tân Châu) là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi hơn hết để xây dựng và hát triển làng văn hóa người Chăm phục vụ du lịch.

Đi tìm mô hình

Khi trình bày phương án xây dựng mô hình làng văn hóa 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ du lịch An Giang, nhóm thực hiện đề tài đưa ra các phương án để xây dựng. Trong đó, phương án 1 là thực hiện bảo tàng văn hoá thu nhỏ, phương án 2 là mô hình dựa vào làng cộng đồng (phương án phân tán) hoặc mô hình kết hợp, như dân tộc Chăm – Kinh tại Châu Phong (Thị xã Tân Châu), Dân tộc Hoa – Kinh (TP. Châu Đốc), Dân tộc Khmer (huyện Tri Tôn).

Trong đó, theo PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng, làng Chăm Châu Phong có các nhà sàn gỗ cổ, các thánh đường, nghề dệt thổ cẩm, các món ăn truyền thống của người Chăm, thuận lợi phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm... Từ làng Chăm Châu Phong, khách du lịch còn được tham quan làng bè sắc màu trải dài từ ngã ba sông Châu Đốc kéo dài lên phía đầu nguồn châu thổ sông Hậu và sông Châu Đốc, huyện An Phú;

Còn làng văn hóa Chăm - Kinh sẽ được xây dựng liên kết giữa xã Châu Phong với thị trấn Đa Phước, huyện An Phú. Trọng tâm là làng Chăm Châu Phong và làng bè sắc màu sẽ tạo nên tour du lịch mang bản sắc văn hóa tộc người hấp dẫn. Đồng thời, trên địa bàn xã và các khu vực lân cận có rất nhiều chùa Khmer có kiến trúc, bề dày lịch sử thu hút du khách cùng với hệ thống lễ hội truyền thống, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của người Khmer phù hợp phát triển du lịch tâm linh, du lịch văn hóa...

Hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý của tỉnh An Giang và các cơ quan, đơn vị liên quan

Hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý của tỉnh An Giang và các cơ quan, đơn vị liên quan

Các làng văn hóa của 4 dân tộc được định vị phân bố tại các khu vực có trọng điểm, mang tính chất kết nối giữa các làng văn hóa, thuận tiện liên kết tour, tuyến với các tuyến cơ bản như: Xã Châu Phong, TX. Tân Châu (hoặc thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) - thị trấn Đa Phước, huyện An Phú (hoặc xã Châu Phong, TX. Tân Châu) - Tp. Châu Đốc - Tịnh Biên - Tri Tôn; Tour Tri Tôn - Tịnh Biên - Tp. Châu Đốc - xã Châu Phong, TX. Tân Châu - thị trấn Đa Phước, huyện An Phú.

TS. Nguyễn Trung Hiếu, Khoa Du lịch & Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Đại học An Giang – ĐHQG Tp.HCM cho rằng việc xây dựng làng văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang phục vụ phát triển du lịch cần quan tâm những vấn đề: Vị trí thành lập làng văn hóa các dân tộc, lựa chọn giá trị văn hóa, hội tụ đa loại hình – đa sản phẩm du lịch. Đặc biệt là phải có sự liên kết doanh nghiệp, để tạo sự thu hút, phát triển bền vững cho làng văn hóa các dân tộc, bên cạnh các yếu tố chúng tôi đề cập ở trên thì cần phải có sự liên kết với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh bằng hệ thống tour. Nếu không, với quy mô nhỏ, chỉ hội tụ văn hóa của 4 dân tộc thì không đủ sức “bền vững” theo thời gian. Bài học là làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã có thời kỳ khó khăn, hoang vắng.

BTC Hội thảo đã nhận được hơn 40 bài viết của tác giả, nhóm tác giả đến từ 15 trường đại học, học viện và doanh nghiệp, với 76 tác giả là các chuyên gia, nhà khoa học, cần bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Các bài viết khá đa dạng với nhiều bài viết rất có chất lượng nhằm góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu du lịch An Giang./.

Thanh Tùng
Bạn đang đọc bài viết An Giang: Xây dựng và phát triển mô hình làng văn hóa các dân tộc phục vụ du lịch tại chuyên mục Nhịp cầu doanh nghiệp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thanh Hóa thu 142 tỷ đồng từ du lịch trong dịp Tết Dương lịch
Theo báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, trong 3 ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch năm 2024 (ngày 30, 31/12/2023 và 1/1/2024) tỉnh đã đón được khoảng 105.000 lượt khách du lịch, tăng 38,6%, với tổng thu đạt khoảng 142 tỷ đồng, tăng 43,7% so với Tết Dương lịch năm 2023.