Bà Trương Mỹ Lan "bằng mọi cách sẽ khắc phục thiệt hại cho người dân"

24/09/2024, 15:10
báo nói -

TCDN - Chiều 23/9, TAND Tp.HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) với phần xét hỏi Trương Mỹ Lan và các bị cáo tham gia phát hành trái phiếu khống.

Trương Mỹ Lan khai không biết chủ trương phát hành trái phiếu

Theo bị cáo Trương Mỹ Lan khai, bà rất sợ làm chứng khoán. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có tài chính vững chắc, không có nhu cầu lấy tiền của dân, hay niêm yết giá chứng khoán. Bị cáo hoàn toàn không biết gì liên quan chủ trương phát hành trái phiếu.

Trương Mỹ Lan khai không biết chủ trương phát hành trái phiếu

Trương Mỹ Lan khai không biết chủ trương phát hành trái phiếu

Về Vạn Thịnh Phát, bà Lan cho biết có 2 đơn vị mang tên Vạn Thịnh Phát. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) là người đại diện. Đơn vị này chỉ hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, bất động sản. Đơn vị thứ 2 là Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Lan) là người đại diện. Đơn vị này chuyên đầu tư các dự án lớn. Bà Lan khẳng định 2 tập đoàn trên không cử người đại diện trong Ngân hàng SCB để hoạt động phát hành trái phiếu.

Khi được chủ tọa hỏi về chủ trương phát hành trái phiếu, bà Lan nói Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu phát hành trái phiếu vì ngành nghề kinh doanh là du lịch, bất động sản. "Bị cáo và Vạn Thịnh Phát không sử dụng tiền của các gói trái phiếu. Vạn Thịnh Phát đủ khả năng phát hành trái phiếu tới hàng trăm nghìn tỷ nhưng không có nhu cầu, mà tiền này sử dụng cho SCB", bà Lan nhiều lần nhắc lại nội dung này trong quá trình bị thẩm vấn.

Theo bà Lan, năm 2017,ông Đinh Văn Thành (cựu chủ tịch hội đồng quản trị SCB, đang trốn truy nã) và Nguyễn Phương Hồng (Phó tổng giám đốc SCB - đã chết) đề xuất về việc phát hành trái phiếu để cứu SCB. Người này nói đã đưa các tài sản vào nhà băng rồi nên bà Lan đồng ý cho mượn các công ty để thực hiện ý tưởng trên. Đồng thời, bà Lan khai không nhớ đã phát hành bao nhiêu trái phiếu.

"Bị cáo chỉ cho mượn công ty chứ không có đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu vì không biết về lĩnh vực chứng khoán, tài chính. Bị cáo không chối bỏ trách nhiệm nhưng xin HĐXX, VKS làm sáng tỏ ai là người ra chủ trương phát hành. Bà Lan tiếp tục trình bày: "Bị cáo nghĩ rằng nếu hôm nay không cho mượn công ty thì ngân hàng sẽ sụp đổ, nên bị cáo chỉ cho mượn công ty, còn bị cáo không liên quan đến trái phiếu".

Chủ tọa hỏi: "Vậy có chủ trương cho Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) làm trái phiếu không?". Bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời rằng, thời gian bị cáo chủ yếu ở nước ngoài, ít ở Việt Nam, nên khi rảnh buổi trưa thường mời Hồ Bửu Phương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Tân Việt - TVSI, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Phương Hồng ăn trưa. "Mời ăn trưa là liên quan đến niêm yết, trong đó có câu chuyện mượn công ty để phát hành trái phiếu, còn chủ trương là của SCB. Lúc này bị cáo có hỏi cho mượn công ty có sao không, thì anh em nói rằng không sao đâu, bị cáo mới cho mượn công ty để phát hành trái phiếu, còn ai chủ trương phát hành thì do SCB, chứ không phải của bị cáo", bị cáo Lan nói.

Trương Mỹ Lan nói "bằng mọi cách sẽ khắc phục thiệt hại cho người dân"

Tại phiên tòa bà Lan bị cáo thừa nhận các trách nhiệm liên quan và xin được HĐXX, VKS làm sáng tỏ ai là người ra chủ trương phát hành. "Bị cáo đang nỗ lực từng ngày hoàn trả tiền cho tất cả các bị hại, sẵn sàng dùng mọi tài sản để bồi thường cho người dân", bị cáo Lan trình bày tại tòa.

Bà Lan nói việc phát hành trái phiếu khiến bà rất đau lòng bởi vì người nhà cũng mua hơn 5.000 tỷ đồng. Về trách nhiệm đối với các bị hại, bà Lan cho biết đã có đơn từ trại giam gửi hội đồng xét xử, trình bày phương án khắc phục cho các trái chủ. "Các trái chủ, có nhiều ông bà cụ già nhưng vì tin tưởng SCB cũng như uy tín của Trương Mỹ Lan nên mới mua trái phiếu để giúp SCB, nên bị cáo bằng mọi giá sẽ chịu trách nhiệm với các trái chủ, dù trong hoàn cảnh này, bị cáo cũng sẽ cố gắng hết sức bồi thường", bà Lan xin hội đồng xét xử tạo điều kiện để khắc phục hậu quả.

Theo đó, bà Lan đề nghị hội đồng xét xử xem xét thu hồi hơn 17.320 tỷ đồng có nguồn gốc từ phát hành trái phiếu mà nhiều ngân hàng đã nhận để khắc phục hậu quả vụ án. Bên cạnh đó bà Lan còn đề xuất một số phương án đền tiền cho trái chủ như: Đề nghị sử dụng các khoản tiền, tài sản liên quan vụ án giai đoạn 1 mà tòa án đã buộc các cá nhân, tổ chức nộp lại, mà theo bà là khoảng 21.000 tỷ đồng và số tiền hơn 386 tỷ đồng mà gia đình bà đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.

Bên cạnh đó bà Lan cũng sẵn sàng dùng toàn bộ tài sản của gia đình để khắc phục thiệt hại. Trong đó, SCB đang "mượn" dự án 6A ở khu Trung Sơn - có trị giá lên đến 20.000 tỷ đồng và 65 tài sản khác của bị cáo nên "đề nghị tòa hỗ trợ để bị cáo lấy lại các tài sản này, khắc phục thiệt hại cho các trái chủ". Ngoài ra, bà Lan nói mình đang có 1 siêu dự án tại trung tâm Tp.HCM có giá trị gấp 3 lần tòa nhà Timesquare, những tài sản này chưa bị kê biên nên đề nghị đưa vào khắc phục hậu quả vụ án. Bà Lan nói, thêm rằng có rất nhiều cơ hội khắc phục hậu quả "nhưng ở trong này không thể làm gì. "Bị cáo một lòng một dạ muốn khắc phục thiệt hại cho người dân", bà Lan vừa khóc vừa nói.

Trong giai đoạn hai của đại án, ngoài hành vi trên, bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc hành vi "rửa" 445.747 tỷ đồng, vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng) qua biên giới.

Tuyết Nhi
Bạn đang đọc bài viết Bà Trương Mỹ Lan "bằng mọi cách sẽ khắc phục thiệt hại cho người dân" tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình
Chiều ngày 11/4, Tòa án nhân dân Tp.HCM tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình là hình phạt chung cho cả ba tội danh trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức liên quan.