Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Phân công rõ việc, phân cấp mạnh

Bài 1: Vẫn thiếu linh hoạt, bó hẹp ngành nghề

04/09/2024, 12:56

TCDN - Quy trình đầu tư trực tiếp vốn từ ngân sách nhà nước vào doanh nghiệp gặp khó khăn; Thiếu quy định cụ thể; Lĩnh vực, ngành nghề diện đầu tư vốn nhà nước còn bị bó hẹp... là những vướng mắc hiện nay.

Bài 2: Quản lý dòng vốn, không quản lý doanh nghiệp

Bài 3: Tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn

Bài 4: Doanh nghiệp lo “tăng nhịp”

Việc sáp nhập 2 doanh nghiệp con vào VNPT kéo dài 2 năm, bỏ lỡ nhiều cơ hội của doanh nghiệp.

Việc sáp nhập 2 doanh nghiệp con vào VNPT kéo dài 2 năm, bỏ lỡ nhiều cơ hội của doanh nghiệp.

“Hòn đá tảng” níu chân doanh nghiệp

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, việc đầu tư vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp chưa chủ động, kịp thời, linh hoạt. Lĩnh vực, ngành nghề đầu tư vốn nhà nước cần được thể chế và làm rõ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Quá trình, quy trình đầu tư trực tiếp vốn từ ngân sách nhà nước vào doanh nghiệp gặp khó khăn, việc đầu tư bổ sung vốn cho doanh nghiệp được quy định của pháp luật ngân sách thuộc lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chưa xác định rõ trong đầu tư công.

160820241008-0816dn-(2)
Luật hiện hành đã phát sinh nhiều bất cập, chưa tách bạch được chức năng đại diện vốn chủ sở hữu với chức năng quản lý doanh nghiệp dẫn đến có trường hợp các cơ quan chức năng coi toàn bộ vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước là tài sản nhà nước để quản lý. Điều này dẫn đến hoạt động quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước chịu sự chỉ đạo, can thiệp chặt chẽ của nhiều cơ quan nhà nước, chưa phát huy được tính năng động, sáng tạo và vẫn xảy ra nguy cơ thất thoát vốn - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.

Bên cạnh đó, quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện quyền của chủ sở hữu do Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý cần được rà soát điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó, cần đảm bảo phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, giảm thiểu các công việc sự vụ phải xem xét, quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn phân cấp, xác định rõ quyền, trách nhiệm và không làm hạn chế quyền của doanh nghiệp để tăng tính tự chủ cho Hội đồng thành viên, Ban điều hành doanh nghiệp có vốn nhà nước. Qua đó, hạn chế việc các cơ quan quản lý nhà nước làm thay cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và làm thay doanh nghiệp.

Qua rà soát Luật số 69/2014/QH13, Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính cũng nhận định, việc đầu tư vốn (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) Nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt (như việc đầu tư vốn trong thời gian qua của Vietnamairline, các Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, Công ty đường sắt đô thị số 1 TPHCM). Lĩnh vực, ngành nghề đầu tư vốn nhà nước đã cụ thể hóa theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, thực tế còn bị bó hẹp, chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, cần được nghiên cứu và thể chế hóa cho phù hợp.

Quá trình, quy trình đầu tư trực tiếp vốn từ ngân sách nhà nước vào doanh nghiệp gặp khó khăn, việc đầu tư bổ sung vốn cho doanh nghiệp được quy định của pháp luật ngân sách thuộc lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chưa xác định rõ trong đầu tư công. Luật Đầu tư công xác định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không thuộc đối tượng điều chỉnh, quy trình đầu tư công khác với đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Theo ông Bùi Hồng Minh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang tồn tại nhiều vướng mắc cần giải quyết triệt để. Đó là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang thực hiện đồng thời cả “hai vai” quản lý nhà nước về doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sỡ hữu nhưng phân cấp cho các bộ ngành, cơ quan trung ương thực hiện các chức năng quản lý nhà nước và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu cho nên trong quá trình triển khai đã phát sinh một số bất cập, chồng lấn.

“Ví dụ như việc xử lý các tồn tại cũ, các dự án yếu kém, tài sản không sinh lời, tài sản đã tổn thất về mặt giá trị nhưng chưa thể xử lý. Thậm chí có những doanh nghiệp có đến 2/3 tổng tài sản không xử lý được, dẫn đến việc doanh nghiệp lỗ triền miên, trong khi chi phí vốn cao. Doanh nghiệp rất khó khăn và cảm thấy như “một hòn đá tảng” níu kéo doanh nghiệp trở lại” – ông Bùi Hồng Minh nhấn mạnh.

Từ phía doanh nghiệp, ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT phản ánh, việc đầu tư vốn ở DNNN gặp nhiều vướng mắc. Ông Thái dẫn ví dụ: Tại đề án cơ cấu lại VNPT có nội dung sáp nhập 2 doanh nghiệp hạch toán độc lập vào công ty mẹ. Vì chưa có quy định cụ thể nên khi trình đề án, bộ ngành băn khoăn, đặt giả thiết, 2 doanh nghiệp này thua lỗ sẽ xử lý như thế nào. Nếu theo mô hình hiện nay, khoản lỗ của doanh nghiệp con được xem khoản lỗ vốn của công ty mẹ VNPT. Tuy nhiên, khi sáp nhập về VNPT, khoản lỗ này sẽ thành lỗ vốn nhà nước.

“Trong 10 năm qua, 2 doanh nghiệp con này hoạt động có lãi, được kiểm toán minh bạch. Do thận trọng, bộ ngành đặt giả thiết doanh nghiệp con thua lỗ, chưa tìm ra giải pháp. Chỉ riêng vướng mắc sáp nhập 2 doanh nghiệp con ở trên kéo dài 2 năm, bỏ lỡ nhiều cơ hội của doanh nghiệp”, ông Thái cho biết.

Trao thêm quyền cho lãnh đạo doanh nghiệp

Để tháo gỡ vướng mắc cho DNNN, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nhiều chính sách liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng trao thêm quyền cho lãnh đạo doanh nghiệp.

Dự thảo quy định rõ nguyên tắc, quyền và trách nhiệm của hội đồng thành viên, chủ tịch HĐTV của DNNN. Nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp tự quyết định chính sách tiền lương, tiền thưởng của người lao động. Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thoả thuận tiền lương, tiền thưởng, ký hợp đồng lao động và trả lương, thưởng gắn với năng suất và kết quả lao động.

TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng dự thảo Luật là “cuộc cách mạng” trong quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cách tiếp cận, tinh thần sửa Luật có rất nhiều điểm tích cực. Điểm mới đầu tiên là làm rõ vai trò của Nhà nước là một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong thị trường cạnh tranh, hội nhập. Do đó, Nhà nước không còn quản lý, can thiệp trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có nghĩa là Nhà nước quản lý doanh nghiệp theo dòng vốn đầu tư, không quản lý theo pháp nhân. Hơn thế nữa, Dự thảo đã tăng tính minh bạch, quyền hạn, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Mặt khác, dự thảo Luật thể hiện sự linh hoạt, thích ứng với thị trường, trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi lại vốn Nhà nước. Điểm mới nữa trong cách tiếp cận là cố gắng xử lý các “ách tắc” hiện nay của doanh nghiệp như vấn đề quản trị, quản lý doanh nghiệp F1, F2, đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… Tuy nhiên, ông Thành cho rằng để sửa Luật sẽ là một quá trình phức tạp và gian nan.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, nội dung chính sách của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thể hiện tư duy thị trường, xác định Nhà nước là một chủ đầu tư vốn trong doanh nghiệp như các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nên xem xét nguyên tắc quản trị, công khai minh bạch theo chuẩn đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Ông Trương Hồng Sơn - thành viên HĐQT Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đánh giá, dự thảo Luật đã tạo cơ chế thông thoáng hơn, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo sân chơi công bằng giữa các doanh nghiệp có vốn nhà nước và các doanh nghiệp có vốn khác. Đồng thời, tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ đề nghị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tới để thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành (Luật 69).

Hải Anh
Bạn đang đọc bài viết Bài 1: Vẫn thiếu linh hoạt, bó hẹp ngành nghề tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Sửa đổi Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để phát huy dòng vốn tại doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, yêu cầu khi soạn thảo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là làm thế nào phát huy được dòng vốn tại doanh nghiệp; tập trung vào để thúc đẩy phát triển nền kinh tế của đất nước; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp.