Bài 2: Quản lý dòng vốn, không quản lý doanh nghiệp
TCDN - Việc dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp mở rộng đối tượng áp dụng đến doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác khiến không ít tập đoàn, tổng công ty có doanh nghiệp cấp 2 (F2), cấp 3 (F3) lo ngại sẽ thêm cấp quản lý.
Bài 1: Vẫn thiếu linh hoạt, bó hẹp ngành nghề
Quản lý dòng vốn cả doanh nghiệp con, cháu
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết, quản lý doanh nghiệp F2 là một trong những vấn đề nổi cộm của các tập đoàn, tổng công ty thời gian qua. Mặc dù Luật số 69/2014/QH13 không chi phối đến doanh nghiệp F2, quyền hạn của doanh nghiệp F1 với doanh nghiệp F2 được hiểu theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp F1, có thể do “lo lắng”, vẫn xin ý kiến Ủy ban về các vấn đề của doanh nghiệp F2.
Theo bà Vũ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế và Kiểm soát nội bộ (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp), dự thảo Luật 69 sửa đổi theo hướng, cơ quan chức năng chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang quản lý theo dòng vốn. Tuy nhiên, DNNN có nhiều loại, với nhiều mức vốn khác nhau do Nhà nước góp. Hiện nay, DNNN có 51% vốn nhà nước góp trở lên mới có thể chi phối. Với những doanh nghiệp có tỷ lệ vốn góp dưới 51% sẽ xử lý quyết định quản lý dòng vốn như thế nào?
Luật số 69/2014/QH13 không quy định đến doanh nghiệp F2, do đó khi doanh nghiệp F1 thực hiện quản lý có rất nhiều vướng mắc và không thống nhất ở các đơn vị. Vì vậy, “cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng đối tượng đến các doanh nghiệp F2 với mong muốn có quy định sao cho thống nhất, các doanh nghiệp dễ hiểu, dễ làm, chủ động và đảm bảo an toàn, tránh rủi ro pháp lý, chứ không phải để thêm cấp quản lý hay hạn chế quyền của doanh nghiệp - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Bùi Tuấn Minh.
“Dự thảo luật quy định quản lý theo dòng vốn. Nhưng việc quản lý dòng vốn rất khó. Tôi đề xuất ban soạn thảo có quy định cụ thể về quản lý dòng vốn để tránh tình trạng như một số vụ việc vừa qua xảy ra, do không quy định cụ thể, tiềm ẩn nguy cơ mất cán bộ”, bà Nhung kiến nghị.
Đối với việc quản lý doanh nghiệp F2, ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nêu thực tế ở những doanh nghiệp F2 mà tập đoàn đã thoái vốn xuống dưới 50%, không còn nắm quyền kiểm soát, thì doanh nghiệp F1 cũng chỉ có quyền hạn chế, khó có ý kiến tham gia.
Từ phía đại diện doanh nghiệp F2, ông Trương Hồng Sơn - thành viên HĐQT Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho rằng, việc mở rộng đối tượng điều chỉnh tới doanh nghiệp F2 sẽ làm khó doanh nghiệp. Bởi lâu nay doanh nghiệp F2 hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Danh - Phó Tổng Giám đốc VNPT đồng tình với nguyên tắc mở rộng phạm vi quản lý tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, ông lưu ý việc mở rộng này nên thực hiện với điều kiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa ở từng nội dung, từng cấp bậc trong quản lý. Bởi hiện nay, một số doanh nghiệp F2 vốn đã phải xin ý kiến rất nhiều khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Nhiều nội dung nếu được giao cho tập đoàn (doanh nghiệp F1) quyết định thì sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn. Do đó, đại diện VNPT cho rằng, nếu việc mở rộng phạm vi tới toàn bộ doanh nghiệp F2 được gắn với phân cấp, phân quyền mạnh hơn thì sẽ là “vẹn toàn”, bởi Nhà nước quản lý được hết dòng vốn, vừa tạo thuận lợi, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hồng Hiển - Chủ tịch HĐTV Mobifone, quan điểm Nhà nước quản lý dòng vốn, không quản lý doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp có nhiều hoạt động giao thoa giữa các nhiệm vụ, mục tiêu khác nhau. Do đó, Luật nên thiết kế nguyên tắc để có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý vốn và cơ quan quản lý chuyên ngành. Đồng thời, đại diện doanh nghiệp cũng mong muốn dự thảo Luật lần này tháo gỡ được các vướng mắc, chồng chéo với các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… và các nghị định, thông tư hiện hành; tham khảo áp dụng các thông lệ tiên tiến về quản trị doanh nghiệp nhà nước…
Không thêm cấp quản lý, không hạn chế quyền của doanh nghiệp
Làm rõ những băn khoăn của doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Bùi Tuấn Minh đã giải thích, các nội dung quy định thể hiện đúng như tên Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhà nước đầu tư vốn thì phải có sự quản lý. Khi quản lý theo dòng vốn, thực tế có nhiều doanh nghiệp F2 rất lớn, có ảnh hưởng quan trọng đến kinh tế, xã hội. Do đó, nhiều doanh nghiệp F1 vẫn xin ý kiến cơ quan chủ sở hữu về nhân sự, chiến lược, kế hoạch của doanh nghiệp F2.
Hiện nay, Luật số 69/2014/QH13 không quy định đến doanh nghiệp F2, do đó khi doanh nghiệp F1 thực hiện quản lý có rất nhiều vướng mắc và không thống nhất ở các đơn vị. Vì vậy, “cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng đối tượng đến các doanh nghiệp F2 với mong muốn có quy định sao cho thống nhất, các doanh nghiệp dễ hiểu, dễ làm, chủ động và đảm bảo an toàn, tránh rủi ro pháp lý, chứ không phải để thêm cấp quản lý hay hạn chế quyền của doanh nghiệp”, ông Bùi Tuấn Minh nêu rõ.
Cũng theo cơ quan soạn thảo, trường hợp không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác vào trong phạm vi điều chỉnh để xác định đối tượng điều chỉnh của Luật mà giao toàn quyền cho doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp quy định hoặc quyết định sẽ không đảm bảo thống nhất về chế độ báo cáo và không có cơ sở, căn cứ pháp lý để các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
“Việc xác định doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư vốn, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp phù hợp với Nghị quyết số 12-NQ/TW đã xác định; đồng thời Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn” – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899