Bài 4: Doanh nghiệp lo “tăng nhịp”
TCDN - Quy định phân cấp rõ theo mức vốn đầu tư dự án theo từng cấp quản lý phải phê duyệt chủ trương đầu tư giúp việc quản lý vốn nhà nước hiệu quả hơn. Tuy nhiên, với doanh nghiệp đặc thù, các dự án đều có quy mô lớn, hàng chục nghìn tỷ đồng, quy định này sẽ là bó buộc lớn.
Bài 1: Vẫn thiếu linh hoạt, bó hẹp ngành nghề
Bài 2: Quản lý dòng vốn, không quản lý doanh nghiệp
Bài 3: Tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn
Tăng giá trị phê duyệt chủ trương đầu tư
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Văn Mậu cho rằng, việc dự thảo Luật quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên là chưa phù hợp với thực tiễn. Theo đó, nên tăng giá trị phê duyệt chủ trương đầu tư lên như các dự án nhóm B theo Luật Đầu tư công năm 2019.
Theo ông Nguyễn Văn Mậu, việc bổ sung vốn điều lệ cho công ty cấp 2, không làm thay đổi tỷ lệ vốn chủ sở hữu của công ty cấp 1 tại công ty cấp 2 nên giao cho doanh nghiệp thực hiện. Bởi đề án tái cấu trúc của công ty cấp 2 đã được phê duyệt có quy định cụ thể tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước. Đặc biệt, việc tăng vốn điều lệ từ Quỹ đầu tư phát triển hoặc thặng dư vốn, từ vốn chủ sở hữu khác, bản chất là bút toán, không phải Nhà nước bổ sung vốn nên giao cho doanh nghiệp.
Đại diện một số doanh nghiệp dầu khí khác nêu đặc thù là các dự án của doanh nghiệp đều có quy mô rất lớn, hàng chục nghìn tỷ đồng, lâu nay được thực hiện theo Luật Dầu khí (Luật số 12/2022/QH15). Như vậy, theo các mức quy định thẩm quyền phê duyệt trong dự thảo có thể đều phải trình lên Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội.
Việc bổ sung vốn điều lệ cho công ty cấp 2, không làm thay đổi tỷ lệ vốn chủ sở hữu của công ty cấp 1 tại công ty cấp 2 nên giao cho doanh nghiệp thực hiện. Bởi đề án tái cấu trúc của công ty cấp 2 đã được phê duyệt có quy định cụ thể tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Văn Mậu.
Ông Đinh Văn Đức – Thành viên HĐTV Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) cho rằng, các mức thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp sẽ “bó” doanh nghiệp. Cụ thể, dự thảo quy định đầu tư vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (Điều 27), Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước có giá trị từ 20.000 tỷ đồng trở lên; Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước có giá trị từ 5.000 tỷ đồng đến dưới 20.000 tỷ đồng; Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước có giá trị dưới 5.000 tỷ đồng, không phải lập và đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư. Như vậy, các mức thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư hạ xuống, trong khi một dự án của PVEP khoảng 400 – 500 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng sẽ phải trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.
“PVEP là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, nếu đầu tư dự án lớn phải trình xin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tức là tăng thêm “một nhịp” cho doanh nghiệp”.
Ông Trương Hồng Sơn – Thành viên HĐQT Tổng công ty Khí Việt Nam ( PV GAS) cho hay, PV GAS dự kiến đầu tư từ nay đến năm 2035 khoảng 150.000 - 210.000 tỷ đồng để tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kho cảng, cung cấp khí cho các nhà máy điện, đặc biệt là các kho cảng, cung cấp vũ khí cho các nhà máy điện. Nhưng nếu thực hiện các quy trình theo hạn mức phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định tại dự thảo Luật sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp. Trong khi, việc xin chủ trương đầu tư theo Luật số 12/2022/QH15 thời gian qua đã tháo gỡ nhiều vướng mắc của doanh nghiệp.
“Trong lĩnh vực dầu khí, đầu tư xây dựng một kho cảng có giá trị khoảng 1,3-1,5 tỷ USD, cao gấp nhiều lần so với quy định của dự thảo là Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước có giá trị từ 5.000 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cấp 2, gián tiếp tác động đến việc đánh giá hiệu quả doanh nghiệp cấp 1” - ông Trương Hồng Sơn bày tỏ.
Ông Tô Mạnh Cường – HĐTV, Giám đốc VNPT Technology chia sẻ, năm 2023, VNPT Technology xin chủ trương xây dựng nhà máy tại khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc để đón làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp xin chủ trương từ Tập đoàn mất tầm 3 tháng để giải trình kế hoạch 10 năm, đánh giá kết quả, tác động… Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp mất thêm 3 tháng xin giấy phép xây dựng, thời gian đấu thầu xây dựng kéo dài 6 tháng, xây dựng nhà xưởng tầm 6 tháng, đấu thầu mua sắm trang thiết bị thêm 6 tháng nữa… như vậy, một dự án lòng vòng qua các cấp mất khoảng 3 năm, liệu lúc đó nhà máy còn có tác dụng nữa hay không? Trong trường hợp này, nếu Nhà nước quản lý dòng vốn đến doanh nghiệp cấp 2, cấp 3, đồng thời phân cấp rõ theo mức vốn đầu tư dự án sẽ nảy sinh bất cập, kéo dài thời gian phê duyệt chủ trương đầu tư, dẫn đến chậm tiến độ, mất cơ hội của doanh nghiệp.
Có tính đến yếu tố biến động trong tương lai
Ban soạn thảo dự thảo Luật cho biết, về mức thực hiện phân cấp quyết định phê duyệt chủ trương với vai trò chủ sở hữu vốn trước khi quyết định thực hiện đầu tư, trước đó Bộ Tài chính đề xuất quy định các trường hợp đầu tư phải có quyết định phê duyệt chủ trương với vai trò chủ sở hữu vốn trước khi quyết định thực hiện đầu tư: Thủ tướng Chính phủ (từ 5.000 tỷ đồng đến dưới 15.000 tỷ đồng), Quốc hội (từ 15.000 tỷ đồng trở lên), còn lại giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định trên cơ sở ý kiến của cơ quan tài chính đồng cấp.
Tuy nhiên, tại Dự thảo lần này, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư vốn lên 20.000 tỷ đồng để phù hợp với dự kiến biến động trong thời gian ít nhất trên 05 năm sau khi Luật ban hành được dựa trên cơ sở hệ số trượt giá, tỷ lệ lạm phát từ khi Luật 69/2014/QH13 được ban hành (năm 2014) đến thời điểm đề xuất xây dựng Luật (năm 2023) và tính đến yếu tố biến động trong tương lai sau khi Luật được ban hành (từ năm 2025 trở đi).
Về ý kiến đề nghị xem xét phân cấp cho Hội đồng thành viên doanh nghiệp quyết định thực hiện dự án đầu tư theo hướng không phân biệt quy mô vốn dự án, không phải đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư; hạn mức vốn đầu tư để xác định cấp có thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương áp dụng theo quy định của Luật Đầu tư, Cục trưởng Bùi Tuấn Minh thông tin thêm, Bộ Tài chính đã báo cáo và đề xuất, việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của doanh nghiệp có vốn góp chị phối của nhà nước được thực hiện thống nhất theo Luật này với vai trò chủ sở hữu vốn. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp quyết định đầu tư và triển khai thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan, chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư. Trên cơ sở đó, Chính phủ xác định và quy định phân cấp rõ theo mức vốn đầu tư dự án theo từng cấp quản lý phải phê duyệt chủ trương đầu tư.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899