Bài 3: Tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn
TCDN - Phương án doanh nghiệp được trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp được xem là hợp lý, giúp tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp, tạo sự linh hoạt, kịp thời. Tuy nhiên, cách thức sử dụng nguồn này khiến doanh nghiệp còn lúng túng.
Bài 1: Vẫn thiếu linh hoạt, bó hẹp ngành nghề
Bài 2: Quản lý dòng vốn, không quản lý doanh nghiệp
Bài 4: Doanh nghiệp lo “tăng nhịp”
Doanh nghiệp được trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế
Tại dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đề xuất mức trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế (Điều 15 và Điều 18) lên tối đa 80%. Cụ thể, tại tờ trình, tiếp thu ý kiến của các cấp có thẩm quyền, doanh nghiệp trong quá trình đề nghị xây dựng Luật, Bộ Tài chính đề xuất 3 phương án:
Phương án 1 là trích tối đa 50% lợi nhuận sau thuế, tiếp thu theo đề xuất tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Phương án 2 là trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế, để “đảm bảo sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc tái đầu tư từ lợi nhuận hàng năm, qua đó nâng cao hiệu suất đầu tư từ phần vốn của nhà nước”, theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 4/4/2024 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024. Phương án 3 để lại 100% lợi nhuận sau thuế. Theo đề nghị của một số doanh nghiệp muốn được để lại 100% lợi nhuận sau thuế sau khi thực hiện các nội dung chi, trích các quỹ đặc thù.
Trên cơ sở 3 phương án này, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ xem xét, quyết định thực hiện theo phương án trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp.
Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp là nguồn lợi nhuận sau thuế để tại doanh nghiệp, không phải là của doanh nghiệp. Quỹ này thuộc quyền quyết định của chủ sở hữu vốn, chưa phải là nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, chỉ sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung vốn điều lệ mới được tính là vốn của doanh nghiệp. Do vậy, Nhà nước với vai trò là một chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp được quyền định đoạt, quyết định điều chuyển giữa các doanh nghiệp tương ứng tỷ lệ phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại doanh nghiệp - ông Bùi Tuấn Minh, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế tối đa 80%, tăng so với mức ở dự thảo trước đây là 30% là hợp lý để tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp, tạo sự linh hoạt, kịp thời, tăng tính hiệu quả trong việc điều hành, sử dụng quỹ.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Văn Mậu cũng ủng hộ việc nâng tỷ lệ trích lập quỹ đầu tư phát triển để tạo thuận lợi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp khi sử dụng vốn, đại diện PVN đề nghị quy định rõ hơn việc sử dụng nguồn này như thế nào, có phải là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp hay không.
“Nguồn vốn này chưa phải là vốn của doanh nghiệp, đây chỉ là vốn nhà nước để tại doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là, dù tỷ lệ trích lập đến 80% nhưng nguồn quỹ này được “định vị” doanh nghiệp chưa được quyền sử dụng như là tài sản của pháp nhân doanh nghiệp. Tôi cho rằng sẽ có rủi ro pháp lý nếu không làm rõ cách thức sử dụng nguồn này.
Trường hợp nguồn vốn này không phải của doanh nghiệp, cần xác định chính xác đây là vốn chủ sở hữu hay nợ phải trả. Bởi trong doanh nghiệp chỉ có 2 nguồn vốn, một là nguồn vốn chủ sở hữu, hai là nợ phải trả. Nếu khẳng định đây là vốn chủ sở hữu thì theo chuẩn mực quốc tế đây là nguồn vốn, tài sản của pháp nhân doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp được chủ động sử dụng” – ông Nguyễn Văn Mậu phân tích.
Theo đại diện PVN, Quỹ Đầu tư phát triển là nguồn tích lũy quan trọng đối với doanh nghiệp để đầu tư dài hạn và đối phó với các đợt khủng hoảng, không nên điều chuyển giữa các doanh nghiệp.
Đối với việc phân cấp quản lý doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Mậu băn khoăn về nguyên tắc phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp F1 (doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp), doanh nghiệp F2 (doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp).
Để đảm bảo linh động, kịp thời, Phó Tổng Giám đốc PVN đề xuất với doanh nghiệp F2 mà doanh nghiệp F1 sở hữu 100% vốn, thì thực hiện nguyên tắc phân phối lợi nhuận như với doanh nghiệp F1. Còn với doanh nghiệp F2 là công ty cổ phần thì giao lại cho doanh nghiệp F1 quyết định theo điều lệ của công ty. Phân phối lợi nhuận cho công ty cổ phần phải rất linh động theo thực tế. "Chẳng hạn, nếu đang có dự án cần đầu tư, có thể sẵn sàng phải để lại 100% vốn để đầu tư, nếu thu về thì sẽ khó khăn về công cụ tài chính" - đại diện PVN cho hay.
Chưa phải nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính Bùi Tuấn Minh nhấn mạnh, Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp là nguồn lợi nhuận sau thuế để tại doanh nghiệp, không phải là của doanh nghiệp. Quỹ này thuộc quyền quyết định của chủ sở hữu vốn, chưa phải là nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, chỉ sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung vốn điều lệ mới được tính là vốn của doanh nghiệp. Do vậy, Nhà nước với vai trò là một chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp được quyền định đoạt, quyết định điều chuyển giữa các doanh nghiệp tương ứng tỷ lệ phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại doanh nghiệp. Đồng thời, để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước phải có cơ chế điều chuyển từ doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng sang doanh nghiệp có nhu cầu về vốn.
Quỹ Đầu tư phát triển sử dụng để xử lý tài chính đối với các dự án kinh doanh thua lỗ do điều kiện khách quan theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chi trả tiền lương, tiền công cho các đối tượng do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê; thuê kiểm toán báo cáo tài chính; đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh, dự án tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp; nộp về ngân sách nhà nước, điều chuyển giữa các doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
TS. Phạm Phan Dũng chuyên gia kinh tế cho biết thêm, từ trước đến nay việc phân phối lợi nhuận sau thuế được quy định tương đối chặt chẽ, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Trong dự thảo Luật lần này, Ban soạn thảo đã đưa ra 3 phương án tháo gỡ cho doanh nghiệp, tăng tỷ lệ trích lập Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, giúp doanh nghiệp có thể sử dụng lợi nhuận sau thuế để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Cụ thể: Phương án 1 là trích tối đa 50% lợi nhuận sau thuế; Phương án 2 là trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế; Phương án 3 là để lại 100% lợi nhuận sau thuế.
Điểm mới này theo TS. Phạm Phan Dũng là rất thuận lợi. Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân đã làm việc này từ rất lâu, do đó hướng sửa đổi luật lần này thực sự là rất tích cực, từ đó đem lại sự chủ động cho doanh nghiệp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899