Biểu thuế xuất nhập khẩu mới giúp ổn định kinh tế vĩ mô

04/12/2023, 09:25
báo nói -

TCDN - Việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) trong thời gian qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường xuất khẩu, hạn chế việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.

Nhiều hàng hoá được ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu

Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2023/NĐ-CP Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp và thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Theo nghị định Nghị định quy định Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này gồm mã số hàng hóa (mã hàng), mô tả hàng hoá, mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định cho từng nhóm mặt hàng, mặt hàng chịu thuế xuất khẩu.

Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không có tên trong Biểu thuế xuất khẩu thì người khai hải quan khai mã hàng của hàng hoá xuất khẩu tương ứng với mã hàng 08 chữ số của hàng hóa đó theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và không phải khai thuế suất trên tờ khai hàng hoá xuất khẩu.

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này bao gồm:

Mục I: Quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với 97 chương theo Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Nội dung gồm: Tên các Phần, Chương; Chú giải; Chú giải phân nhóm; Danh mục Biểu thuế nhập khẩu gồm mô tả hàng hoá, mà hãng (08 chữ số) theo Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định cho mặt hàng chịu thuế. 

Mục II: Quy định Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc Chương 98. Nội dung gồm: Chú giải; Cách thức phân loại, điều kiện, thủ tục áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Chương 98, báo cáo kiểm tra quyết toán việc sử dụng hàng hóa được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Chương 98; Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi.

Đối với các mặt hàng máy gia công cơ khí thuộc các nhóm hàng từ 84.54 đến 84.63 áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi như sau:

Các mặt hàng máy gia công cơ khí trong nước chưa sản xuất được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi bằng 0%. Máy gia công cơ khí nêu tại khoản này là loại không thuộc Danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định.

Các mặt hàng máy gia công cơ khí không thuộc trường hợp nêu tại khoản 1 Điều này áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của các nhóm từ 84.54 đến 84.63 quy định tại Mục I Phụ lục II về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định này.

Đối với Thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe ô tô đã qua sử dụng Nghị định quy định xe ô tô chở người đã qua sử dụng từ 09 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh không quá 1.000cc thuộc nhóm hàng 87.03 áp dụng mức thuế tuyệt đối quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

Xe ô tô chở người đã qua sử dụng từ 09 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh trên 1.000cc thuộc nhóm hàng 87.03 và từ 10 đến 15 chỗ ngồi thuộc nhóm hàng 87.02 áp dụng mức thuế hỗn hợp quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

Xe ô tô chở người đã qua sử dụng từ 16 chỗ ngồi trở lên thuộc nhóm hàng 87.02 và xe có động cơ đã qua sử dụng dùng để chở hàng hoá có khối lượng toàn bộ theo thiết kế không quá 05 tấn, thuộc nhóm hàng 87.04 (trừ ô tô đông lạnh, ô tô thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, ô tô xi téc, ô tô bọc thép để chở hàng hóa có giá trị; ô tô chở xi măng kiểu bồn và ô tô chở bùn có thùng rời nâng hạ được) áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 150%.

Các loại xe ô tô khác đã qua sử dụng thuộc nhóm hàng 87.02, 87.03, 87.04 áp dụng mức thuế suất bằng 1,5 lần so với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của xe ô tô chưa qua sử dụng cùng chủng loại thuộc cùng nhóm hàng quy định tại Mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Sửa đổi biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các Bộ, ngành liên quan xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2023, trong đó, giao Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội rà soát trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước.

Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ, để kịp thời đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và phòng chống gian lận thương mại trong phân loại, áp mã, trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát các mức thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước. Theo đó, có 2 nhóm mặt hàng cần phải xem xét, bổ sung điều chỉnh trong thời gian tới.

Cụ thể: Nhóm 1 là các mặt hàng xem xét điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, tạo thuận lợi thương mại, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, phòng chống gian lận trong phân loại, áp mã. 

Trong đó có 01 mặt hàng là khô dầu đậu tương đang được đề xuất giảm thuế; còn các mặt hàng như: Hạt nhựa polypropylene, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thiết bị điện tử dùng cho thuốc lá điện tử hoặc loại tương tự thuộc mã hàng 8543.40.00, các mặt hàng phụ tùng, linh kiện ô tô “ống dầu phanh” và “ống dẫn dầu hộp số ô tô” tại nhóm 98.45 được dự kiến điều chỉnh tăng theo mức trần của WTO…

Nhóm 2 là các mặt hàng đề xuất chưa điều chỉnh do mức thuế suất hiện hành đã đảm bảo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.

Việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước. 

Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; góp phần ổn định thị trường, nhất là đối với sản phẩm trong nước đã sản xuất được và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

Ngoài ra, việc sửa đổi Nghị định lần này phải đảm bảo nguyên tắc, đó là duy trì được dư địa cho việc đàm phán các Hiệp định FTA mới trong tương lai, thuế suất thuế nhập khẩu MFN sau điều chỉnh không thấp hơn thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ các hiệp định FTA. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc công bằng, có đi có lại; hài hòa lợi ích đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong nước và trong quan hệ thương mại với các nước đối tác lớn.

Bảo hộ doanh nghiệp trong nước, chống gian lận thương mại

Trong đề xuất sửa đổi lần này, Bộ Tài chính tập trung vào 2 nhóm vấn đề, trong đó có các mặt hàng xem xét điều chỉnh để bảo hộ doanh nghiệp trong nước, tạo thuận lợi thương mại, phòng chống gian lận trong phân loại áp mã. Trong đó có nhiều mặt hàng, như: khô dầu đậu tương để sản xuất thức ăn chăn nuôi; hàng hạt nhựa polypropylene (PP) và nhựa polyethylen (PE)...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an và một số hiệp hội kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng khô dầu đậu tương từ 2% xuống 0%. Mặt hàng khô dầu đậu tương là một trong những nguyên liệu quan trọng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong nước cũng đã sản xuất được một phần (như một số nhà máy ép dầu ăn sản xuất).

Việc điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN có thể dẫn đến giảm nhu cầu, ảnh hướng đến sản xuất trong nước và tăng sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, qua đó tác động trực tiếp tới hoạt động chăn nuôi của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án đó là giữ nguyên mức thuế suất MFN và điều chỉnh mức thuế suất MFN từ 2% xuống 1% (thay cho phương án giảm xuống 0% như đề xuất).

Việc không giảm thuế sẽ góp phần ổn định chính sách, không xáo trộn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi và doanh nghiệp chăn nuôi trong nước. Ngoài ra, do trong nước đã sản xuất được 35% nhu cầu nội địa nên mức thuế suất MFN 2% (so mới mức trần WTO 5%) là hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tiếp tục sản xuất. Nếu không có chính sách bảo hộ nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước thì Việt Nam phải tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu.

Gia Linh
Bạn đang đọc bài viết Biểu thuế xuất nhập khẩu mới giúp ổn định kinh tế vĩ mô tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Triển vọng kinh doanh của VPBank với điểm tựa tăng trưởng kinh tế vĩ mô
Nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế đang rất chậm. Để đạt kế hoạch tăng trưởng 6,5%, Chính phủ sẽ đưa ra nhiều hơn nữa các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh.
Chính phủ thảo luận tình hình kinh tế vĩ mô
Sáng 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô.