Bình Thuận: Bộ Công an đề nghị cấp hồ sơ 9 dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật
TCDN - Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư là một trong chín dự án bất động sản “khủng” tại Bình Thuận vừa bị Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ do liên quan đến những dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngày 28/7, Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an vừa ký văn bản gửi UBND TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) về việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến thực hiện dự án trên địa bàn thành phố.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến việc đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cơ quan này đề nghị UBND TP.Phan Thiết cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến 9 dự án sau:
- Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
- Dự án khu du lịch dã ngoại, phường Mũi Né.
- Dự án khu du lịch Xuân Quỳnh, phường Mũi Né.
- Dự án Sea Links Mũi Né.
- Dự án lấn biển phường Đức Long, TP.Phan Thiết.
- Dự án đất ở thương mại 92.600,9m2, gồm các lô số 18, 19, 20 phường Phú Hài, TP Phan Thiết.
- Dự án khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long, Phan Thiết tại phường Hưng Long, TP.Phan Thiết.
- Dự án trường mầm non Lê Quý Đôn, phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết.
- Dự án xây dựng kè chống xâm thực biển phường Đức Long, TP.Phan Thiết.
Những dự án trên thuộc loại "khủng", nằm ở những vị trí đắc địa ven biển cũng như trung tâm TP.Phan Thiết. Trong đó, riêng dự án khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long, Phan Thiết đã bị UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi do vi phạm Luật đầu tư.
Cơ quan điều tra còn đề nghị địa phương cung cấp thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP.Phan Thiết; lý lịch trích ngang, phân công chức năng, nhiệm vụ của lãnh đạo UBND TP Phan Thiết và cán bộ qua các thời kỳ trong việc chỉ đạo, tham mưu, thực hiện các dự án trên.
Ngoài đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu của các dự án trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn đề nghị UBND TP.Phan Thiết cung cấp lý lịch trích ngang, phân công chức năng, nhiệm vụ của lãnh đạo UBND TP.Phan Thiết và cán bộ qua các thời kỳ trong việc chỉ đạo, tham mưu, thực hiện dự án; hồ sơ, tài liệu tham gia phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Thuận trong quá trình thực hiện các dự án; cung cấp các Tờ trình của UBND TP.Phan Thiết và các quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất TP.Phan Thiết từ năm 2011 đến nay.
Các hồ sơ tài liệu cung cấp đề nghị đóng dấu xác nhận của UBND TP.Phan Thiết và gửi đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an (Phòng 4/C01) trước ngày 2/8/2021.
Được biết trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã nhận được Công văn số 3246/VPCQCSĐT và Công văn số 3248/VPCQCSĐT ngày 13/7/2021 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, về việc phối hợp rà soát, cung cấp thông tin, hồ sơ pháp lý, tạm dừng giao dịch đối với các tài sản tại 3 dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết của Công ty Rạng Đông.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND TP.Phan Thiết và các sở, ngành chức năng có liên quan, khẩn trương thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết được hình thành trên khu đất có diện tích hơn 60ha từng là sân golf Phan Thiết. Khu đất có vị trí “vàng” khi một mặt giáp bãi biển đồi dương, các mặt còn lại giáp khu dân cư và 2 trục đường lớn là Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng.
Sân golf Phan Thiết trước đây do Công ty Regent International Overseas Crop (100% vốn đầu tư nước ngoài) làm chủ đầu tư và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1997.
Đến năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển nhượng vốn và chủ đầu tư mới cho Công ty CP Rạng Đông với mục đích xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo.
Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau Công ty CP Rạng Đông đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi sang đất ở đô thị. Mục đích của việc chuyển đổi này là “Đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình phụ trợ”.
Tháng 3/2014, UBND tỉnh Bình Thuận có thông báo chấp thuận đề nghị của Rạng Đông. Tiếp đến là lập tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển đổi sân golf sang đất ở đô thị.
Trước đó, dù chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng Công ty CP Rạng Đông đã ra thông báo chấm dứt hoạt động sân golf. Tháng 11/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho dự án liền vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận.
Cụ thể, theo Quyết định số 3317/QĐ – UBND về phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho diện tích 363.523 m2 (gồm đất ở kết hợp thương mại, dịch vụ) chiếm 58,57%; diện tích không thu tiền sử dụng đất là 257.132 m2 (gồm các công trình công cộng, nhà trẻ…) chiếm 41,43% tổng diện tích khu đất dự án. Tổng số tiền sử dụng đất mà Công ty CP Rạng Đông phải nộp là 936.800 triệu đồng, tính chi tiết ra, giá đất bình quân chỉ là 2,5 triệu đồng/m2.
Người dân cho rằng, mức giá trên là quá thấp tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỉ đồng vì giá đất khu vực quanh dự án lúc đó thấp nhất cũng từ 10 triệu đồng/m2 đến 24 triệu đồng/m2.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899