Bộ Tài chính chấn chỉnh doanh nghiệp thẩm định giá

15/02/2023, 17:00
báo nói -

TCDN - Trước những vi phạm của doanh nghiệp thẩm định giá, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá nghiêm khắc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh kịp thời.

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 1027/BTC-QLG để chấn chỉnh các doanh nghiệp về việc chấp hành quy định pháp luật về thẩm định giá.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đã tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành quy định pháp luật về thẩm định giá đối với 15 doanh nghiệp thẩm định giá.

Qua kết kiểm tra, Bộ Tài chính nhận thấy các doanh nghiệp đã có ý thức chấp hành các quy định về quản lý hoạt động thẩm định giá và Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Các doanh nghiệp đã được kiểm tra trong những năm trước đây cũng có ý thức chấp hành pháp luật về thẩm định giá tốt hơn, các thiếu sót trước đây cơ bản được khắc phục mặc dù vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục khắc phục để nâng cao chất lượng đối với hoạt động thẩm định giá.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, vẫn còn một số doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thẩm định giá như không thông báo cho Bộ Tài chính khi thay đổi danh sách thẩm định viên; không thực hiện đúng quy trình thẩm định giá; không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, đồng thời không trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp, phát hành Chứng thư thẩm định giá hoặc Báo cáo thẩm định giá không có đủ các thông tin cơ bản theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam…

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân chính của những thiếu sót này chủ yếu là do một số doanh nghiệp còn chưa quán triệt tốt việc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về thẩm định giá, đặc biệt là việc cập nhật kịp thời các quy định mới, mặc dù các thẩm định viên đều đã có Giấy chứng nhận tham gia các lớp cập nhật kiến thức; một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt việc kiểm soát, kiểm tra nội bộ hoạt động thẩm định giá tại doanh nghiệp.

Đồng thời, một số thẩm định viên còn thiếu kinh nghiệm thẩm định giá và hiểu biết chưa sâu về tài sản thẩm định giá và thị trường của tài sản thẩm định giá nên chưa có những đánh giá, biện luận cần thiết trong quá trình thẩm định giá để có kết luận phù hợp về giá trị của tài sản thẩm định giá. Điều này thể hiện qua một số hồ sơ thẩm định giá biện luận chưa đầy đủ về nội dung xác định cơ sở giá trị thẩm định giá; phân tích sơ sài thông tin tổng quan về thị trường tài sản; chưa thể hiện rõ ràng việc kiểm chứng thông tin thu thập…

Cũng theo Bộ Tài chính, qua kiểm tra hồ sơ cho thấy, khi thực hiện phương pháp so sánh, một số hồ sơ vẫn còn những thiếu sót về nội dung phiếu khảo sát thu thập thông tin, báo giá tài sản so sánh còn sơ sài; thực hiện kiểm chứng thông tin không rõ; lập luận về các tỷ lệ điều chỉnh chưa đầy đủ, cụ thể hoặc đã có lập luận về các tỷ lệ điều chỉnh, tuy nhiên các tỷ lệ này chưa đi kèm với các biện luận và chứng cứ về thông tin giao dịch thị trường làm cơ sở để đưa ra các tỷ lệ điều chỉnh; biện luận chưa đầy đủ về xác định mức giá của tài sản thẩm định giá thông qua phân tích chất lượng thông tin của tài sản so sánh và các yếu tố như số lần điều chỉnh, tổng giá trị điều chỉnh gộp, tổng giá trị điều chỉnh thuần…

Khi thực hiện phương pháp dòng tiền chiết khấu thì khâu phân tích giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai chưa chi tiết; chưa nêu cụ thể nguồn thông tin thu thập để đưa vào ước tính các khoản thu nhập/chi phí liên quan đến tài sản, biện luận chưa rõ ràng về giá trị cuối kỳ dự báo…

Trước những hạn chế trên, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng giám đốc/Giám đốc các doanh nghiệp thẩm định giá nhận thức rõ những tồn tại, thiếu sót trên đối chiếu với tình hình hoạt động của doanh nghiệp để nghiêm khắc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh kịp thời.

Theo đó, các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam trong quá trình thực hiện thẩm định giá.

Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp đặc biệt lưu ý thực hiện đầy đủ và nghiêm túc quy trình thẩm định giá nhất là việc khảo sát, thu nhập và phân tích thông tin. Lập đầy đủ các biên bản khảo sát thực trạng tài sản thẩm định giá và phiếu thu thập thông tin. Các thông tin thu thập phải ghi rõ nguồn, bảo đảm tính khách quan, trung thực và được kiểm chứng, xác minh nhằm bảo đảm độ tin cậy và chất lượng thông tin trước khi đưa vào áp dụng các phương pháp thẩm định giá để ước tính giá trị tài sản cần thẩm định.

Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp thẩm định giá ban hành quy định về kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức đánh giá hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những sai sót trong quá trình thẩm định giá.

Tổng giám đốc/Giám đốc các doanh nghiệp thẩm định giá đôn đốc, kiểm tra các thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp tham dự các khóa học cập nhật kiến thức theo quy định. Báo cáo kịp thời với Bộ Tài chính khi có sự thay đổi thông tin về doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên theo đúng quy định…

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính chấn chỉnh doanh nghiệp thẩm định giá tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ngành Thẩm định giá có được giảm thuế GTGT?
Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, hiện nay ngành nghề Thẩm định giá được xếp vào Mã ngành 7490. Tuy nhiên, trong phụ lục những ngành giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ không có danh sách Mã 7490.