Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tình trạng gian lận, trốn thuế còn diễn biến phức tạp

11/05/2023, 14:36
báo nói -

TCDN - Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp.

Sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022 thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng (+28,6%) so dự toán. Thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí 89,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất 110,67 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, cắt giảm và nguồn còn lại của Ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2021, trong đó bổ sung 6.840 tỷ đồng thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tổng hợp số cắt giảm của các bộ, cơ quan trung ương được khoảng 716,9 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra: chi NSNN năm 2022 ước đạt 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 352,3 nghìn tỷ đồng (+19,4%) so dự toán. Trong điều hành đã sử dụng 15,84 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách Trung ương để bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương (8,43 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ cho các địa phương (7,41 nghìn tỷ đồng) để đảm bảo xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh theo đúng quy định của Luật NSNN.

Tính đến ngày 31/12/2022, NSNN đã bổ sung 4.361 tỷ đồng cho 32 địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.

Cụ thể, các bộ, ngành là 9.901 tỷ đồng (trong đó: tiết kiệm trong lập, thẩm định, phân bổ dự toán là 308 tỷ đồng; tiết kiệm trong sử dụng và thanh quyết toán NSNN là 2.875 tỷ đồng; tiết kiệm trong đầu tư là 6.433 tỷ đồng); các địa phương là 38.157 tỷ đồng (trong đó: tiết kiệm trong lập, thẩm định, phân bổ dự toán là 16.836 tỷ đồng; tiết kiệm trong sử dụng và thanh quyết toán NSNN là 8.773 tỷ đồng; tiết kiệm trong đầu tư là 10.660 tỷ đồng); các tập đoàn, tổng công ty là 5.837 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh là 3.605 tỷ đồng; tiết kiệm trong đầu tư là 2.232 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trong đầu tư xây dựng, đầu tư công, theo báo cáo của Chính phủ, cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 31/01/2023 vốn kế hoạch năm 2022 là 529.461,934 tỷ đồng, đạt 77,43% kế hoạch và đạt 91,28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; có 11/51 Bộ và 11/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch. Năm 2022, có 55.214 dự án đã được phê duyệt quyết toán; qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán là 9.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Chính phủ công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch được giao, đặc biệt là nguồn vốn Quốc hội bổ sung cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thẩm tra sơ bộ Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, giao vốn KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành, đến Kỳ họp thứ 5 Chính phủ vẫn trình Quốc hội phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nếu loại trừ khoản giải ngân kế hoạch vốn địa phương giao tăng thêm từ nguồn vượt thu thì tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn số Chính phủ đã báo cáo. Còn 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội song kết quả còn hạn chế nhất là trong phân bổ vốn, dẫn đến lãng phí do nguồn lực không được sử dụng. Đến cuối tháng 8/2022, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội danh mục, mức vốn đợt 1 và đến nay mới trình Quốc hội giao danh mục, mức vốn đợt 3 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ còn bất cập, kết quả không đạt như dự kiến, đến 31/12/2022, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ chỉ đạt hơn 78,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 26% tổng số vốn), chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp, đến cuối tháng 3/2023 mới đạt khoảng 327 tỷ đồng (bằng 0,82% nguồn lực bố trí).

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tình trạng gian lận, trốn thuế còn diễn biến phức tạp tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan