Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 33 thế giới

28/03/2025, 11:55
báo nói -

TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, sự tăng trưởng vượt bậc của dòng vốn đầu tư đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP, đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội với chính sách nhất quán là đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thu hút có hiệu quả cả nguồn vốn trong nước và quốc tế.

Thông tin về thị trường vốn của Việt Nam trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2024 đánh dấu một năm thành công của nền kinh tế và thị trường vốn với tổng mức vốn huy động đạt gần 930.000 tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần so với năm 2023, tương đương 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Untitled

Cũng trong năm 2024, quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 62,5% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt 31,5% GDP; nhà đầu tư nước ngoài đã mở gần 48.000 tài khoản đầu tư với tổng giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng.

Cùng với sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư gián tiếp, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2024 đạt 25,4 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Những kết quả này đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP đạt 7,09%, đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, mặc dù đạt được những kết quả rất tích cực trong năm 2024, nhưng có thể thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước.

Đối với quỹ đầu tư chứng khoán, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đến cuối năm 2024, tương đương 1,2% vốn hóa thị trường chứng khoán; tổng giá trị tài sản quản lý của công ty quản lý quỹ tương đương 3,4% tổng tài sản của tổ chức tín dụng.

Trên thị trường chứng khoán số lượng nhà đầu tư liên tục tăng nhưng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5%, theo đó hoạt động của hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bên cạnh những kết quả đạt được, theo nhìn nhận của các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế vẫn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình thực thi về đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, thủ tục hành chính và ngoại hối…

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ngành quỹ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng, khi tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ mới chỉ chiếm gần 6% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Số lượng nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỉ lệ lớn, nên thị trường dễ bị biến động theo tâm lý của nhà đầu tư.

Theo bà Phương, việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành quỹ không chỉ giúp thu hút dòng vốn dài hạn mà còn góp phần xây dựng một cơ sở nhà đầu tư ổn định và bền vững hơn. Đồng thời, sự mở rộng của các quỹ đầu tư đa dạng như quỹ chỉ số, quỹ ESG, quỹ hạ tầng…sẽ không chỉ tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, mà còn tạo động lực quan trọng giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững, thúc đẩy kinh tế phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Chính phủ đã đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo quyết tâm khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo tiền đề phát triển ở mức hai con số trong thời gian tới nhằm sớm đưa đất bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

"Để đạt được các mục tiêu này, bên cạnh những giải pháp của Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy hành chính, chúng tôi đặt trọng tâm vào việc huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có nguồn vốn đầu tư thông qua các quỹ đầu tư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn được lắng nghe các ý kiến đánh giá đa chiều, thẳng thắn, các đề xuất khách quan, mang tính xây dựng để cùng hiến kế cho Bộ Tài chính giải pháp để phát triển các quỹ đầu tư nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.

Từ đó, nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu đầu tư sang các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.

PV
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 33 thế giới tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan