Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Sau sắp xếp, Bộ sẽ có một tâm thế và diện mạo mới
TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy, Bộ Tài chính sẽ có một quy mô, diện mạo, tâm thế và ảnh hưởng mới, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước giao phó.
Ngày 3/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị giao ban nhằm đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 11/2024, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ chương trình công tác tháng 12/2024.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, thu ngân sách 11 tháng do ngành Thuế quản lý ước bằng 104,3% dự toán, tăng 16,8% so cùng kỳ năm 2023.
Tổng cục Thuế đã chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành 2 nghị định, 2 thông tư. Hiện nay 3 nghị định về thuế tối thiểu toàn cầu, giao dịch liên kết, hóa đơn chứng từ đã được Tổng cục khẩn trương hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 12 năm nay.
Năm 2025, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế; đề xuất sửa đổi Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế và 5 thông tư.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế sẽ tập trung vào tái thiết kế quy trình nghiệp vụ và kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Về lĩnh vực hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, lũy kế 11 tháng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 715 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 11 tháng tăng 24,31 tỷ USD. Số thu ngân sách nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu 11 tháng do ngành Hải quan quản lý đạt 102,6% dự toán, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tháng 11/2024, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.666 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.987 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 16 vụ.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, tính đến ngày 28/11, chỉ số VN-Index đạt 1.242 điểm, giảm 1,8% so với cuối tháng 10, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân các phiên trong tháng 11 đạt 15.828 tỷ đồng, giảm khoảng 10% so với tháng trước. Tính bình quân từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng 22% so với bình quân năm 2023.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, thời gian còn lại của năm 2024 không còn nhiều, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị của Bộ tập trung với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước năm 2024 - là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025.
Về xây dựng thể chế, chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lưu ý ngành Tài chính cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế phát triển, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển.
Triển khai nhiệm vụ trong tháng 12, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lưu ý các đơn vị tập trung thực hiện quyết liệt để hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của năm 2024. Đồng thời chuẩn bị tốt hội nghị tổng kết công tác năm và xây dựng các chương trình công tác của năm 2025.
Theo Bộ trưởng, thu ngân sách nhà nước đều đặn vượt dự toán và vượt so với năm trước. Cân đối chi cũng tương đối tốt, cân đối ngân sách trung ương và địa phương được đảm bảo, nhưng cần lưu ý thêm về phát hành trái phiếu chính phủ để đạt được các kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là vấn đề lớn và cấp thiết với ngành Tài chính. “Đây là xu hướng không thể thay đổi, càng đi sớm càng có lợi”, Bộ trưởng nói và yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành tập trung hơn nữa cho chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan…
Về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính có tác động lớn nhất khi sáp nhập với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như chuyển một số bộ phận của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về Bộ hay nghiên cứu kết thúc mô hình tổng cục…
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không để phát sinh phức tạp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tin tưởng, sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy, Bộ Tài chính sẽ có một quy mô, diện mạo, tâm thế và ảnh hưởng mới, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước giao phó.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899