Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn, tái cơ cấu ở những doanh nghiệp nào?

10/10/2022, 19:38
báo nói -

TCDN - Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung tái cơ cấu, thoái vốn đối với Tổng công ty CP Sông Hồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng – CTCP (COMA) và cổ phần hóa đối với Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký Quyết định số 861/QĐ-BXD ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Về việc cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, Bộ trưởng yêu cầu thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030; Phối hợp quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên. 

Bộ Xây dựng sẽ thực hiện cổ phần hóa đối với Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) trong thời gian tới.

Bộ Xây dựng sẽ thực hiện cổ phần hóa đối với Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng yêu cầu phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty HUD, VICEM giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là công tác cổ phần hoá.

Thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu theo kế hoạch được duyệt.

Tập trung tái cơ cấu, thoái vốn đối với Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng - CTCP.

Quyết định cũng nêu rõ, trong quá trình tái cơ cấu, lãnh đạo Bộ Xây dựng kịp thời chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc, chủ động trao đổi, giải quyết hoặc báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể của đơn vị, đánh giá tình hình thực hiện trước ngày 15/11 hàng năm, Cục Kinh tế xây dựng tổng hợp, đánh giá báo cáo tình hình thực hiện trước ngày 10/12 hàng năm.

Hiện Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã “khuyết” vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên hơn 1 năm nay, sau khi ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Năm 2021, những “ông lớn” trong Bộ Xây dựng như VICEM, HUD, LILAMA, VIGLACERA, COMA, HANCORP, Sông Hồng đều có kết quả sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng. Cụ thể, kết quả sản xuất kinh doanh đạt khoảng 58.300 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch năm 2021 và 93% cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu đạt gần 56.000 tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch năm 2021, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.800 tỷ đồng, bằng 10,3% so với kế hoạch năm 2021, bằng 99% cùng kỳ năm 2020.

Tính đến hết năm 2020, Bộ Xây dựng đã hoàn thành cổ phần hóa thêm 7 Tổng công ty, gồm: Lilama, CC1, Fico, VNCC,Coma, Idico, Sông Đà, nâng tổng số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là 14/16 Tổng công ty.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn, tái cơ cấu ở những doanh nghiệp nào? tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Vicem và Hud buộc phải cổ phần hoá trong năm 2020
Bộ Xây dựng đã rà soát, điều chỉnh tiến độ và đề xuất được Thủ tướng chấp thuận phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (Hud) và Tổng công ty Xi măng (Vicem) thực hiện cổ phần hóa trong năm nay.