Các Bộ trưởng đăng đàn, trả lời nhiều vấn đề nóng

15/08/2019, 14:44

TCDN - Sáng nay, 15.8, tiếp tục Phiên họp thứ 36, UBTVQH dành trọn một ngày tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành về các nội dung liên quan đến thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Trong 2019, Bộ Xây dựng sẽ ban hành 3 quy chuẩn trong hoạt động đầu tư 

Trả lời chất vấn ĐBQH Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, ngành xây dựng hiện có 1.200 tiêu chuẩn. Thời gian qua, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đã phục vụ tốt quá trình phát triển ngành xây dựng, cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung. Song, cũng còn một số hạn chế, nên Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Theo lộ trình, đến năm 2021 sẽ sửa đổi, bổ sung những tiêu chuẩn, quy chuẩn cốt lõi, còn những tiêu chuẩn khác sẽ được hoàn thành đến năm 2030.

Ngay trong năm 2019, Bộ trưởng cho biết, thực hiện Nghị quyết của UBTVQH, Bộ Xây dựng sẽ ban hành 3 quy chuẩn quan trọng trong hoạt động đầu tư gồm: thứ nhất, quy chuẩn về quy hoạch; hai là, quy chuẩn về nhà chung cư; ba là, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. 

Thu phí không dừng: Thời gian ngắn, công việc bề bộn

Trả lời chất vấn ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) về cam kết, giải pháp tiến độ cho cầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ là một trong những trục đường quan trọng nhất đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã triển khai dự án này cách đây gần 10 năm, nhưng đến thời điểm này tiến độ vẫn chậm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải trả lời chất vấn

 Đối với đoạn từ Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ trưởng cho biết, vừa qua Chính phủ đã quyết định bổ sung 2.186 tỷ đồng hỗ trợ cho nhà đầu tư và cho nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án và đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. UBND tỉnh Tiền Giang và cơ quan nhà nước có liên quan đã điều chỉnh hợp đồng, đưa vào điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư. Về phía nhà nước đã hỗ trợ phương án tài chính khả thi, hiện nay, phần vốn nhà đầu tư đã bỏ vào hơn 3.000 tỷ đồng và vốn còn lại liên quan đến cơ quan tín dụng.

Chính phủ đã họp giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng và vốn liên doanh để hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức tín dụng đã phối kết hợp để bổ sung vốn, nếu được vốn tín dụng này cùng với vốn nhà nước và nhà đầu tư thì dự án đến cuối năm 2020 sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương - Mỹ Thuận và hoàn thành toàn bộ công tác này trong năm 2021.

Tiếp tục chất vấn về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Văn Giàu (An Giang) nêu vấn đề: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo thu phí điện tử, thu phí không dừng, quyết tâm đến 31.12.2019 sẽ hoàn thành toàn tuyến với với 44 trạm, 620 làn. Nhưng “đến hôm qua, khi Bộ trưởng làm việc với Tổng cục đường bộ, thì đến nay chúng ta mới triển khai 29 trạm và với 161 làn bằng 26%, nên thấy rất lo lắng”, ĐB Nguyễn Văn Giàu nói.

Liên quan đến câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân, ĐB Nguyễn Văn Giàu cho rằng, “Bộ trưởng trả lời cũng thỏa đáng”. Tuy nhiên, từ ngay đến cuối năm 2020 thông tuyến và ngay đầu năm 2021 đưa vào khai thác theo kết luận của Thủ tướng vào phiên họp 27.5 vừa qua, tôi thấy rằng, thời gian còn ngắn, mà công việc triển khai còn bề bộn - “không rõ các đồng chí nói như thế có đúng không, khoảng 16 tháng nữa có triển khai được không”, ĐB Nguyễn Văn Giàu hỏi.

 Đối với đường tránh tuyến TP Long Xuyên đã được Chính phủ phê duyệt và Thủ tướng 2 nhiệm kỳ tập trung quan tâm. Bộ trưởng cũng mới về làm việc với các lãnh đạo An Giang cách đây 2 tháng. Nhưng câu hỏi ĐB Nguyễn Văn Giàu đặt ra là ngày nào khởi công, tháng nào khởi công? Dự kiến bao giờ hoàn thành?

“3 câu hỏi này chúng tôi rất lo lắng. Chúng ta trả lời chắc chắn như thế nhưng chúng ta có giải pháp và có khó khăn gì báo cáo trước UBTVQH không để hỗ trợ Chính phủ và Bộ trưởng triển khai, hoàn thành đúng tiến độ”, ĐB Nguyễn Văn Giàu nói.

Trả lời các câu hỏi nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay Nghị quyết 437 của UBTVQH cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động không dừng. Theo quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 thì đến 31.12.2019 toàn bộ trạm thu phí trên toàn quốc phải thu phí tự động, không dừng. Cách đây khoảng 1 tháng, Thủ tướng tiếp tục có Nghị định trên phạm vi toàn quốc chỉ đạo Bộ GTVT và các nhà đầu tư khẩn trương thực hiện công tác này.

Về tiến độ thực hiện, trong 2 năm nay và chúng ta có 2 nhà đầu tư cung cấp dịch vụ không dừng, do đó các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn, hàng tháng Bộ đều họp giao ban và có văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư, đây là trách nhiệm của các chủ đầu tư BOT, tư vấn đã có sẵn, sự sẵn sàng các nhà đầu tư trong điều kiện hợp đồng và trong phối hợp thực hiện, nếu nhà đầu tư phối hợp tốt thì chúng ta triển khai nhanh. Bộ trưởng cũng cho biết, sau khi họp chỉ có một đơn vị quan ngại nhất, đó là Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam - đây là công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Tổng công ty này có 226 làn thu phí tự động không dừng, nhưng đến thời điểm này triển khai chậm. Chúng tôi sử dụng giải pháp là có văn bản đến Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh để báo cáo tình hình, nếu tình hình không cải thiện và chậm, trách nhiệm hoàn toàn thuộc nhà đầu tư. Và đến 31.12.2019 không hoàn thành thì chúng tôi sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm thu phí không có thu phí tự động không dừng.

“Hiện nay chúng tôi thực hiện kiểm tra tiến độ hàng tháng, có giải pháp để nhà các đầu tư không bất ngờ, nếu cứ chây ì thì phải chấp nhận hậu quả kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng”, Bộ trưởng nói. 

Khẳng định “Bộ trưởng trả lời thế là thỏa đáng rồi”, nhưng điều khiến ĐB Nguyễn Văn Giàu băn khoăn khi tranh luận lại, đó là việc triển khai trạm thu phí không dừng, chúng ta quyết tâm thế là tốt, nhưng phải đánh giá hết, lường hết những vấn đề mà nếu như kết thúc các doanh nghiệp không chấp hành. Việc thu, hay không thu là vấn đề rất lớn. Hơn nữa, khi thực hiện điện tử, thì những người sử dụng dịch vụ này phải được phổ cập kiến thức, (như thông tin ĐB Nguyễn Văn Giàu biết hiện là mấy triệu đầu xe). Đây là việc rất lớn, có xáo trộn xã hội, mặc dù về mặt nhà nước chúng ta chỉ đạo, ĐB Nguyễn Văn Giàu nói. 

Mỹ Thuận - Cần Thơ: Tuy quan ngại nhưng sẽ cố gắng làm tốt nhất, sớm nhất

Về cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng hứa với Thủ tướng là chỉ đạo ngân hàng thương mại bằng mọi giải pháp đến cuối năm 2020, phải xong được cầu Trung Lương - Mỹ Thuận.

Riêng cầu Mỹ Thuận 2, Bộ trưởng cho biết, đã có vốn hoàn toàn, và hiện chỉ thực hiện theo chỉ đạo. Song quan ngại nhất là đoạn từ Mỹ Thuận - Cần Thơ, thời điểm này chưa mở thầu, do theo Luật Đầu tư công và các quy định khi xác định được nguồn vốn thì mới mở thầu. Hiện đang trông chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ chính thức bố trí 932 tỷ đồng để mở thầu. Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm sẽ mở thầu dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ, chắc chắn đầu năm 2020 chúng ta sử dụng 932 tỷ đồng cùng các tỉnh giải phóng mặt bằng, đồng thời với đó, nhà đầu tư được lựa chọn sẽ tập trung thiết kế và tổ chức thi công. Với tiến độ này, Bộ trưởng “nghĩ rằng cuối năm 2020 nếu điều kiện thuận lợi thì đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành được nền đường, còn riêng phần mặt đường và thông về Cần Thơ thì cuối năm 2020 khó khăn, vì lý do khách quan chúng ta chưa mở được thầu và chưa bố trí được 932 tỷ đồng”. “Việc này Thủ tướng cũng đã biết, tuy quan ngại nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất, thông sớm nhất đến TP Cần Thơ”, Bộ trưởng khẳng định.

Cố gắng đến 2022 sẽ xong đường tránh tuyến TP Long Xuyên

Đối với đường tránh tuyến TP Long Xuyên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, “đáng lẽ dự án đã được triển khai cách đây nhiều năm, nhưng có nhiều thủ tục chưa hoàn chỉnh”. Vừa qua, Bộ đã bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho TP Long Xuyên và tỉnh An Giang, hiện chính quyền địa phương đang tiến hành công tác kiểm đếm, làm các thủ tục chuẩn bị chi tiền. Riêng vốn sử dụng vốn ODA, vừa qua QH đã thống nhất bổ sung 8 dự án ODA, trong đó có dự án Long Xuyên, hiện Chủ tịch Nước đã ký hiệp định và đồng ý bổ sung dự án. Khâu cuối cùng là phiên làm việc của Bộ Tài chính với phía cung cấp vốn dự án ODA để hoàn thành hiệp định, đầu năm 2020 khi hiệp định được ký sẽ cố gắng hoàn thành. Thời gian thi công khoảng 2 năm, cố gắng năm 2022 sẽ xong đường tránh tuyến TP Long Xuyên, Bộ trưởng nói.

“Việc chậm 2 năm rưỡi là đúng!”

Chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu câu hỏi: Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng, đặc biệt là văn bản hướng dẫn, Nghị định 59 hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng kịp thời, đóng góp cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nhưng cũng còn tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn quy định chi tiết các luật có hiệu lực thi hành. Trong đó, có Luật Khoáng sản có hiệu lực từ ngày 1.7.2011 quy định về tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, 2 năm rưỡi sau mới ban hành Nghị định quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Việc chậm trễ này, theo ĐB Mai Thị Phương Hoa, gây nhiều hệ lụy, không chỉ về công tác tổ chức thực hiện mà còn gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho nhà nước. Vậy, nguyên nhân chủ quan của việc chậm trễ này là gì? Giải pháp đột phá thời gian tới như thế nào? Trách nhiệm của bộ, ngành liên quan như thế nào? - ĐB Mai Thị Phương Hoa hỏi?

Theo sự điều hành của Chủ tọa, trả lời câu hỏi của ĐB Mai Thị Phương Hoa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, “ý kiến phản ánh của đại biểu là chính xác”, chậm 2 năm rưỡi ban hành văn bản là đúng. Việc ban hành luật quy định chính sách về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đây là chính sách hoàn toàn mới. Mục đích của chính sách này nhằm khai thác tài nguyên khoáng sản bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Nhiều tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp coi khoản thu này như là một khoản bổ sung vì chúng ta có thu thuế tài nguyên.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc chậm thu về nguyên nhân chủ  quan, chính sách mới được thể hiện trong Luật, Chính phủ ban hành chậm, thì trách nhiệm thuộc về Chính phủ, có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do là chưa nhận thức được việc tính toán dựa trên trữ lượng. Trước đó là hơn 4 nghìn giấy phép địa phương cấp, 300 giấy phép của Trung ương, Bộ TN-MT cấp, đặc biệt giấy phép địa phương có những mỏ chưa đánh giá trữ lượng nhưng đã cấp phép. Sau khi có quy định của Luật này, thì mới làm cuộc cách mạng, yêu cầu tất cả địa phương xem xét, rà soát, thăm dò, đánh giá trữ lượng và sau đó mới được cấp phép. “Việc này mất rất nhiều thời gian, đây cũng là một trong những nội dung liên quan, căn cứ để tiến hành xây dựng nghị định hướng dẫn Luật này”, Bộ trưởng nói.

Trong quá trình xây dựng Nghị định, có nhiều ý kiến của doanh nghiệp, đặc biệt, lúc đó QH ban hành chính sách “khoan sức dân”, các doanh nghiệp khoáng sản và thị trường khoáng sản thời điểm đó rất khó khăn. Chỉ ra thực tế này, Bộ trưởng nêu rõ, chiểu theo một số quy định về hợp tác và hội nhập quốc tế mà chúng ta tham gia các thỏa thuận cho thấy, đây là khoản phát sinh đối với dự án mà trước đây đã đầu tư thì khoản chi phí đã được tính toán, phân chia lợi nhuận. Vậy thu lại khoản này có được không? Đây là một điều bất khả kháng, vì thực tế lợi nhuận này đã được phân chia, 84% này thuộc về các doanh nghiệp khoáng sản nhà nước, chủ yếu là than và xi măng. Trong đó trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước cũng đóng thuế tài nguyên, thuế lợi nhuận, và các doanh nghiệp này cũng có trách nhiệm thực hiện các chính sách liên quan đến điện và các khoản khác.

Như vậy, việc chậm thu ảnh hưởng đến nguồn thu, nhưng mục đích chính của việc thu cấp quyền khai thác để bổ sung một khoản để tăng cường vai trò, trách nhiệm tận thu, sử dụng hiệu quả khoáng sản, chứ không phải mục đích tăng nguồn thu là chính, Bộ trưởng khẳng định. Nguyên nhân chủ quan là chưa lường hết khối lượng công việc như vậy, và căn cứ vào tình hình thực tế lúc đó, Chính phủ chậm 2 năm rưỡi nhưng cũng đã có báo cáo UBTVQH để xin chủ trương.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, “cách đây mấy ngày, UBTVQH đã xem xét cho ý kiến và sẽ trình ra QH trong kỳ họp tới”.

Tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng giảm, cơ bản nằm dưới 10% 

Mở đầu phần hỏi-đáp trực tiếp, các ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai), Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Giàng Thị Bình (Lào Cai), Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)... nêu chất vấn về vấn đề: Quản lý thông tin trên mạng xã hội; xử lý sim rác; triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam; vấn đề quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài; bố trí vốn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; giải pháp xử lý tình trạng chậm trễ, "nợ đọng" văn bản hướng dẫn thi hành luật...

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Đinh Duy Vượt, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, muốn quản lý được thì đầu tiên phải nhìn thấy, do vậy Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào vận hành trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng, giám sát các tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát thông tin trên không gian mạng. Khả năng xử lý tin là 100 triệu tin/ngày và có thể phân loại, đánh giá được tỷ lệ thông tin tiêu cực, tích cực. “Trước đây, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng đánh giá là trên 30%, bây giờ chúng ta nhìn thấy và có tác động điều chỉnh, các tiêu cực cơ bản nằm dưới 10%”, Bộ trưởng nói.

Câu chuyện nan giải thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, là đấu tranh với các trang mạng nước ngoài, trong khi họ chưa có văn phòng đại diện tại đây, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp. Thời gian qua, Bộ đã rất tích cực, cụ thể, với Facebook trước đây, Nhà nước đưa ra yêu cầu thực hiện được khoảng 30%, bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền là 70 - 80%; Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây 60%, bây giờ là 80 - 85%, Apple thì trước không thực hiện, bây giờ gần như thực hiện 75% các yêu cầu…

Liên quan đến câu chuyện không mới - “sim rác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là câu chuyện lớn, xảy ra nhiều năm, và “trong những năm qua, chúng ta đã cắt bỏ sim không đủ thông tin, nhưng giờ vẫn còn lượng sim lớn đang nằm trên các kênh bán lẻ. Bộ trưởng cho biết, từ nay đến tháng 9, các cơ quan truyền thông sẽ tập trung giải quyết chuyện sim rác bằng cách các nhà mạng mua lại. Giải pháp mới cho chuyện sim rác là giao trách nhiệm trực tiếp đến tổng giám đốc công ty truyền thông. “Nếu như còn tồn tại sim rác trên các nhà mạng nhà mạng sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới”, Bộ trưởng nói. 

Cũng theo Bộ trưởng, khi nói đến hệ sinh thái số Việt Nam - tại sao đặt vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam là bởi, nếu như Việt Nam không có mạng của chính mình thì tất cả chúng ta đọc, mua, bán thì đều lưu trữ ở nước ngoài. “Nói vui là não người Việt Nam ở nước ngoài”, Bộ trưởng ví von. Chúng ta đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước, để mạng xã hội trong nước có lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài, để “não” người Việt Nam phân tán đều, không có bất kỳ nhà mạng nào thu thập được toàn bộ thông tin về người Việt Nam. 

Hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu thuê bao, trong một năm tăng trưởng khoảng 30%. Các mạng xã hội cộng lại là khoảng 90 triệu. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay của mạng xã hội nước ta, Bộ trưởng cho biết, “trong khoảng năm 2020 - 2021 chúng ta sẽ đạt câu chuyện 50 - 50”. Hiện nay, có khá nhiều cơ hội cho người Việt Nam, công ty công nghệ phát triển mạng xã hội Việt Nam, ví dụ các mạng xã hội theo cách tiếp cận mới, mạng xã hội sẽ chia sẻ lợi ích cho người tham gia, không chỉ riêng nhà mạng. Các thuật toán quyết định cuộc chơi trên mạng xã hội sẽ được mở ra cho người tham gia quyết định. Các mạng xã hội mới do Việt Nam cung cấp có ngay trong nền tảng là bộ lọc để thực hiện dọn rác trên không gian mạng. Và các nhà mạng chịu trách nhiệm 95% rác do nhà mạng chọn lọc, 5% là phát hiện thêm.

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thanh Hiền về vấn đề cử tri cả nước quan tâm đến việc thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, và quan điểm của Chính phủ cho biết chỉ đạo đối với dự án này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, do đây là dự án quan trọng quốc gia, nên Chính phủ xác định thực hiện dựa trên ba nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất, đây là dự án trọng điểm quốc gia nên trình tự, thủ tục thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Nguyên tắc thứ hai là tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Nguyên tắc thứ ba, đây là công trình trọng điểm quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, kinh tế s- xã hội nên phải chú ý yếu tố an ninh, quốc phòng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đang triển khai nhiều thủ tục liên quan. Hiện Bộ GTVT đã phê duyệt dự án, đang triển khai thiết kế, thi công vượt dự toán. Bộ cũng đã xin báo cáo với Thường trực Chính phủ tại nhiều cuộc họp. Thường trực Chính phủ cũng đang xin ý kiến các cơ quan lãnh đạo để thực hiện dự án này sẽ bảo đảm đạt ý nghĩa kinh tế, cũng như bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Văn Lâm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cho biết, về cơ bản Bộ LĐ-TB và XH và các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Những năm qua, số lượng lao động liên tục tăng, địa bàn được mở rộng,... Bộ cũng siết chặt quản lý các doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng lao động bỏ trốn (chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc), chúng ta đã tiến hành nhiều biện pháp xử lý quyết liệt,... qua đó, tình trạng này đã giảm từ 55% xuống còn 33%.

Cần quan tâm tuyên truyền cho ngư dân

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) về tình hình thực hiện đào tạo, huấn luyện kỹ năng hoạt động trên biển cho người dân, bảo đảm trang thiết bị cho người người dân để vừa tham gia sản xuất, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trên biển, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, kinh tế biển, khai thác thủy sản của nước ta rất lớn, vào khoảng 95 nghìn tàu các loại, với khoảng 1 triệu người đang tham gia hoạt động trên biển.

Với số liệu này, Bộ trưởng cho biết đang đặt ra những vấn đề. Một, làm sao khai thác hiệu quả; hai, làm sao vừa hỗ trợ ngư dân khai thác hiệu quả, vừa tham gia bảo vệ biển; ba, nước ta nằm ở khu vực “rốn bão” trên khu vực Thái Bình Dương, nên công tác ứng phó với thiên tai phải thực hiện nhiều công việc.

Trong các công việc để ứng phó với thiên tai, Bộ trưởng tán thành với quan điểm của ĐBQH cho rằng “cần quan tâm công tác tuyên truyền cho ngư dân”, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất. Bộ trưởng cũng cho biết, gần đây nhất, Chính phủ đã có Quyết định 930 về tập trung tuyên truyền trên các mặt trận, kèm theo đó triển khai Luật Thủy sản.

Để triển khai các công tác này, Bộ NN - PTNT đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, 28 tỉnh duyên hải thường xuyên thực hiện tuyên truyền, bảo đảm đi khai thác an toàn, ứng phó với thiên tai. Do tăng cường tuyên truyền, nên trong 2 năm qua đã có trên 2 triệu phương tiện di dời, tổng số 9,5 triệu người được di dời, cơ bản bảo đảm an toàn. Bộ trưởng khẳng định, đây là kết quả chứng minh sự kết hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và các nghiệp đoàn trong thực hiện tuyên truyền.

Về trang thiết bị, thực hiện quy định của Luật Thủy sản, Bộ trưởng cho biết, với loại tàu trên 24 m đang triển khai lắp đặt máy hành trình giám sát; loại tàu từ 15 - 24m đang triển khai trang bị toàn bộ máy móc. Việc triển khai quy định của Luật Thủy sản do kinh tế biển nước ta có nhiều tiềm năng phát triển, song cũng có những khó khăn nhất định.

Theo ĐBND
Bạn đang đọc bài viết Các Bộ trưởng đăng đàn, trả lời nhiều vấn đề nóng tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

KTNN được quyền truy cập phần mềm dữ liệu đơn vị bị kiểm toán?
Trao thẩm quyền thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính; giám định tư pháp; Tuy cập phần mềm dữ liệu đơn vị bị kiểm toán... cho Tổng Kiểm toán Nhà nước là một trong các nội dung được UBTV Quốc hội, phiên họp thứ 36 cho ý kiến vào sáng 12/8.