Cân nhắc kỹ các quy định về thuế với nền tảng số gắn với hoạt động thương mại

13/12/2021, 19:29

TCDN - Đó là một trong những khuyến cáo của Báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tài trợ, ngày 13/12 Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo trực tuyến công bố Báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Báo cáo tập trung vào: (i) Phân tích xu hướng và kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số hỗ trợ thương mại (Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Trung Quốc, EU, và Singapore); (ii) Rà soát khung pháp lý và tổ chức thực thi, các yêu cầu liên quan, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại gắn với các cam kết về thương mại điện tử trong các FTA thế hệ mới; thực trạng phát triển một số lĩnh vực đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển đổi số trong thương mại (Hạ tầng số - viễn thông, Fintech, và Logistics); và (iii) Các yêu cầu và lộ trình hoàn thiện khung pháp lý và tổ chức thực thi nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trình bày về kết quả nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, Việt Nam có thể học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm quốc tế trong quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số hỗ trợ thương mại nói riêng. Một số bài học kinh nghiệm nổi bật như chú trọng hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách liên quan; có cơ quan chuyên trách, có thẩm quyền trong thúc đẩy chuyển đổi số; tập trung vào những ngành, lĩnh vực có thể đột phá; hạ tầng thông tin (cứng và mềm); tạo thuận lợi và hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp; và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, gắn với nhiều lĩnh vực khác nhau như sở hữu trí tuệ, thuế hải quan, hạ tầng số, thanh toán không dùng tiền mặt và Fintech, logistics,...

Cách tiếp cận hoàn thiện khung pháp lý và chính sách khá linh hoạt, gắn liền với các cam kết trong các FTA thế hệ mới trong một số lĩnh vực, có cân nhắc góc độ ngành, không gian cho doanh nghiệp trong nước, hợp tác với các đối tác nước ngoài,…

 Việt Nam cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho các lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, dù hiệu quả thực tế còn khoảng cách so với yêu cầu đề ra. Đó là chưa kể một loạt các nhiệm vụ đang thực hiện liên quan đến chuẩn bị, xây dựng Luật Giao dịch điện tử và kinh tế số, Luật Chính phủ số, Luật Công nghiệp công nghệ số...

Theo ông Dương, hướng tới giai đoạn tiếp theo, Việt Nam cần một lộ trình hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, gắn với các nội dung theo thứ tự sau: (i) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; (ii) Hoàn thiện chính sách cạnh tranh; (iii) Cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về thuế với nền tảng số gắn với hoạt động thương mại; (iv) Chính sách sở hữu trí tuệ; (v) Phát triển hạ tầng số; (vi) Phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; và (vii) Phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia trực tiếp và hỗ trợ chuyển đổi số trong thương mại.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Cân nhắc kỹ các quy định về thuế với nền tảng số gắn với hoạt động thương mại tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Ngành Thuế rà soát lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh online, chứng khoán và bất động sản
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tăng cường công tác quản lý, rà soát các lĩnh vực còn tiềm năng, các lĩnh vực phát triển tốt trong điều kiện dịch bệnh như thương mại điện tử, kinh doanh online, chứng khoán, bất động sản… nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư.