Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ Campuchia và Thái Lan
TCDN - Sáng 16/4, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam trong bối cảnh tình hình dịch các nước sát đường biên giới như Campuchia, Thái Lan đang nóng.
Tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành diễn ra tại Hà Nội sáng 16/4, Bộ Y tế nhận định nguy cơ xuất hiện dịch tại nước ta là rất lớn trong bối cảnh bùng phát dịch tại các nước láng giềng và trên thế giới.
Trong khi đó, nước ta vẫn tổ chức các chuyến bay giải cứu. Vì thế, việc kiểm soát dịch trong thời gian tới là thách thức rất lớn.
Vì thế, Bộ Y tế liên tục nhắc nhở các địa phương không được lơ là, chủ quan, triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch.
Hiện nay khu vực nóng bỏng nhất là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thành lập các đoàn công tác đi đến vùng này. Bộ đề nghị các địa phương, đặc biệt là lực lượng biên phòng giữ thật vững chắc khu vực biên giới. Việc ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, cách ly đảm bảo là vấn đề đóng góp quan trọng trong kiểm soát dịch trong giai đoạn tới đây.
"Nếu chúng ta lơ là, buông lỏng, để xảy ra ca bệnh nhập cảnh, từ đó lây nhiễm trong cộng đồng đặc biệt nếu là biến chủng của Anh và Nam Phi thì việc kiểm soát cộng đồng rất khó khăn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Y tế mong muốn các địa phương, đặc biệt là tỉnh có đường biên giới với Campuchia cần hết sức lưu ý vấn đề này. Đồng thời, coi đây là vấn đề trọng tâm. trọng điểm. Đường biên giữa hai nước gần như không có ranh giới, chỉ là các cột mốc, đi lại rất dễ dàng.
Vì thế, Bộ đề nghị các địa phương khi phát hiện có người nhập cảnh về cần lập tức báo cho cơ quan chức năng để cách ly ngay. Ban chỉ đạo quốc phòng chống dịch Covid-19 cũng đã có chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.Đồng thời, Bộ cũng đề nghị tăng cường tầm soát để phát hiện các ca nhiễm. Các địa phương cần lên kế hoạch xét nghiệm khu vực, đối tượng có nguy cơ (người phục vụ quán bar, karaoke...).
Bài học của Campuchia và Thái Lan là một ví dụ, dịch bùng phát tại các khu vực giải trí như quán bar, karaoke, nơi tập trung đông người. Tương tự với các cơ sở y tế, Bộ Y tế cũng yêu cầu tầm soát thường xuyên để phát hiện sớm ca bệnh, phát hiện càng sớm thì dập tắt dịch càng nhanh. Đây là nguyên lý rất quan trọng.
Ban chỉ đạo quốc phòng chống dịch Covid-19 cũng đã lưu ý các địa phương cập nhật bản đồ an toàn covid-19, an toàn với các cơ sở y tế, kinh doanh, dịch vụ, phòng khám tư nhân... Phòng khám nào không đảm bảo sẽ bị đình chỉ hoạt động.
"Mọi địa phương đều có thể xuất hiện dịch. Chúng ta không thể chắc chắn 100% nơi nào đó sẽ không có dịch", Bộ trưởng Y tế lưu ý.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng cho biết tốc độ lây lan của dịch trên thế giới vẫn rất nhanh. Trung bình hằng ngày thế giới ghi nhận 600.000-700.000 ca mắc mới, 1.000-2.000 ca tử vong. Một số quốc gia như Thái Lan đang xuất hiện đợt bùng phát dịch mới, thường liên quan đến hoạt động tập trung đông người như tại quán bar, quán rượu từ thủ đô Bangkok lây lan ra nhiều tỉnh.
Gần đây, tình hình dịch tại Campuchia cũng hết sức phức tạp. Dịch khởi đầu từ ngày 20/2 xuất phát từ khu cách ly tập trung sau đó lây ra cộng đồng. Đến nay, Campuchia đã ghi nhận hơn 4.300 ca mắc, trong những tuần gần đây số ca mắc tăng đột biến.
Việt Nam đến nay đã qua 21 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng tuy nhiên vẫn ghi nhận nhiều ca mắc là người nhập cảnh. Theo WHO, đại dịch trong năm 2021 chưa thể kiểm soát được. Nhiều quốc gia vẫn tiếp tục ghi nhận số mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Nhận định nguy cơ dịch tại Việt Nam luôn thường trực, ông Tấn cũng lưu ý một số vấn đề cần tập trung thời gian tới là tâm lý lơ là chủ quan trong cộng đồng, nhập cảnh trái phép (qua biên giới đường mòn, lối mở); quản lý không tốt người nhập cảnh hợp pháp; kiểm tra giám sát chưa thường xuyên, chưa thực chất…
Đại diện của WHO cũng cảnh báo số ca mắc Covid-19 trên thế giới đang gia tăng nhanh. Đại dịch thay đổi thế giới hoàn toàn, nhiều quốc gia đang rất mệt mỏi ứng phó với thay đổi này. Ngoài ra, tình hình dịch tại Campuchia đang hết sức nghiêm trọng, một phần là do trì hoãn trong việc chia sẻ thông tin, đưa ra quyết định.
Về vắc xin, chuyên gia của WHO cũng nhấn mạnh đây không phải là biện pháp duy nhất phòng chống dịch. Hiện có sự mất cân bằng về vắc xin giữa các quốc gia. Vắc xin không phải là tài nguyên có mặt đồng đều ở tất cả các quốc gia.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899