Chính sách du lịch cần phản ứng nhanh hơn để thu hút khách quốc tế

10/03/2023, 16:09

TCDN - Du lịch Việt Nam đang trong quá trình phục hồi sau khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ngoài là làm mới sản phẩm, dịch vụ thì còn đó vấn đề về Visa – “cánh cửa đầu tiên” để khách đến và quay lại.

Lượng khách quốc tế chưa cao

Năm 2022, Việt Nam đón Khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế và hơn 100 triệu lượt khách nội địa.Những con số này chưa đáp ứng được kỳ vọng và mục tiêu đề ra ban đầu của ngành du lịch, đặc biệt nhìn trong bối cảnh của các quốc gia trong khu vực Đông Á, như: Thái Lan, Singapore…

Lượng khách quốc tế đến ít cũng ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Thực tế, nhiều khách sạn hạng sang trên địa bàn Tp.HCM vẫn chưa mở cửa hết các dịch vụ mà họ có, vì chưa có khách quốc tế. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM cho biết, nhiều cơ sở lưu trú không có khách khách chi tiêu, khách chi tiêu không đúng phân khúc mà khách sạn mong muốn hướng tới. Từ đó, tình trạng rao bán khách sạn trên địa bàn Tp.HCM diễn ra rất phổ biến.

Lượng khách quốc tế đến ít cũng ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch (ảnh: Sở Du lịch Tp.HCM).

Lượng khách quốc tế đến ít cũng ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch (ảnh: Sở Du lịch Tp.HCM).

“Còn đối với các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến, mặc dù phục hồi một phần từ phân khúc thị trường nội địa, tuy nhiên khách quốc tế mới chỉ dao động từ 40 đến 50%. Khi các nhà hàng, quán ăn phục vụ khách quốc tế đã thiết lập hệ thống vận hành theo chuẩn quốc tế, nên việc chuyển đổi để phù hợp thị trường nội địa thì không phải cơ sở dịch vụ nào cũng có thể làm được. Vì vậy, việc mở cửa lại hoàn toàn tất cả các cơ sở dịch vụ, đến thời điểm hiện nay Thành phố cũng chưa mở cửa hoàn toàn”, bà Hoa chia sẻ.

Tương tự, bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) chia sẻ: “Khi chúng ta mở lại đến giờ là gần 1 năm, tuy nhiên, nhìn lại vẫn thấy những con số rất đau lòng, từ chính Sun Group. Giai đoạn Tết âm lịch vừa rồi, sau gần một năm chúng ta mở cửa, thị trường ở Đà Nẵng, đặc biệt tại Sun World Bà Nà Hills chỉ phục hồi được khoảng 60%. Trước đó, chúng tôi chúng tôi đón 5 triệu khách/năm, trong đó, hơn 50% là khách quốc tế.

Tương tự, ở Phú Quốc là địa điểm có khách quốc tế là thị trường truyền thống và tiềm năng nhưngcũng chỉ đón hơn 60% KPI chúng tôi đặt ra. Hay tại Hạ Long, một cái Tết Âm lịch trong năm vừa rồi được gọi là u ám, khi rất nhiều tòa khách sạn vốn rất đông nhưng vẫn “tắt đèn” hoàn toàn. Lần đầu tiên ở tại Hạ Long, Tết mà chúng tôi chỉ đón được khoảng 50% so với cùng kỳ những năm trước. Thậm chí có những ngày công viên của chúng tôi không mở cửa xuyên suốt cả tuần, bởi vì, lượng khách không đủ đông”.

Nút thắt Visa và hơn thế nữa

Khách chưa đến nhiều là do phản ứng của Việt Nam đang quá chậm. Như bà Trần Nguyện lấy dẫn chứng, trong bối cảnh phục hồi, Đài Loan tặng 165 USD tiền mặt hoặc thẻ quà tặng cho 500.000 du khách đầu tiên khi đến với Đài Loan, Hồng Kông tặng 500.000 vé máy bay đầu tiên để thúc đẩy thị trường quốc tế. Còn Hàn Quốc tổ chức sự kiện văn hóa Hàn Quốc không điểm dừng và lễ hội âm nhạc ở 50 thành phố lớn trên thế giới để xúc tiến, thúc đẩy du khách đến Hàn Quốc, mặc dù Hàn Quốc đã là một địa điểm vô cùng là hấp dẫn. Rồi Philippines cũng có chính sách hoàn thuế… Đấy chỉ là một số ví dụ ở khu vực châu Á hay Đông Nam Á để thấy rằng, họ đã thay đổi nhanh như thế nào.

Một trong những vấn đề có thể làm là thay đổi về chính sách Visa, dù không phải là giải pháp duy nhất, hiện Việt Nam vẫn đang chậm. Theo đánh giá, Visa là “cánh cửa đầu tiên” và là lợi thế cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam đối với các cái điểm đến khác. Hơn nữa, Visa cũng là “cánh cửa đầu tiên” để khách quay trở lại dễ dàng hơn.

Để mở Visa, theo đại diện các doanh nghiệp là phải làm từ những việc cụ thể. “Ví như có thể mở rộng quốc tịch được nộp Visa điện tử. Hay khi xin Visa điện tử có hạn chế là không được gia hạn sau 30 ngày thì nên gia hạn tiếp tục 30 này cho khách. Tiếp theo là thời gian cấp Visa, quy định là từ 3 đến 5 ngày, vậy khách có thể xin Visa nhanh được không, vì có những trường hợp khách đi lẻ, quyết định vào giờ phút cuối nên xin Visa lấy trong ngày là thường xuyên trong hoạt động lữ hành. Do đó, chúng tôi đề nghị có quy định để khách có thể tự xin Visa trong trường hợp xin khẩn, duyệt khuẩn để được vào Việt Nam”, ông Võ Việt Hoà, Giám đốc Inbound, Công ty Lữ hành Saigontourist khuyến nghị.

Du lịch Việt Nam cần có giải pháp liên hoàn cho hệ sinh thái du lịch (ảnh: Sở Du lịch Tp.HCM).

Du lịch Việt Nam cần có giải pháp liên hoàn cho hệ sinh thái du lịch (ảnh: Sở Du lịch Tp.HCM).

Tượng tự, bà Hoa cũng nhìn nhận: Một trong những vấn đề chưa đạt được là việc phục hồi không đồng đều giữa du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Ngành du lịch rất kỳ vọng vào việc tháo gỡ cơ chế, chính sách mà chúng tôi ví như là việc khai thác tài nguyên sẵn có của Nhà nước. Bởi vì, cơ chế chính sách không phải là tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nguồn nhân lực mà là tài nguyên chính từ cơ quan Nhà nước, nếu khai thác được tài nguyên này sẽ mở ra rất nhiều, và chắc chắn du lịch sẽ phát triển. Từ việc rà soát lại hết tất cả các vấn đề về Visa, mở rộng các nước thuộc danh sách được miễn giảm Visa, đến việc xem xét tăng thời gian lưu trú đối với khách khi ở lại tại Việt Nam.

Việc này, theo bà Hoa là để hạn chế tình trạng đối phó, khi một số thị trường mà khách ở lâu, chi tiêu dài ngày, gần đến hạn Visa lại qua nước lân cận, rồi sau đó lại quay lại Việt Nam. Như vậy sẽ giảm tính cạnh tranh rất nhiều.

Mặt khác, ngoài Visa, để giữ được khách ở lại, chi tiêu và quay trở lại chính là sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt về mua sắm, vui chơi giải trí. Bởi, nếu sản phẩm không tốt và không mới liên tục thì khách sẽ khó quay trở lại. Bên cạnh đó là chất lượng dịch vụ của điểm đến được xem là yếu tố sống còn để khách ở lại hay quay trở lại.

Một ví dụ khi Sun Group tái đầu tư ở Bà Nà Hill lên đến gần tỷ đô thì lượng khách nội địa quay trở lại đã vượt con số 2019, vì có điểm mới. Hay hiện nay, tuy khách quốc tế đến Đà Nẵng vẫn đang chỉ đạt khoảng 50% so với 2019 nhưng lượng khách Hàn Quốc đã phục hồi trong tháng 1 - 2/2023 lên đến 70%, có những ngày, tới 23 chuyến bay khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng và 3.600 khách đó lên với Bà Nà Hills và họ có thể quay trở lại.

“Đấy là câu chuyện đặt ra để thấy rằng, nếu sản phẩm làm tốt và đầu tư mới cũng như là đầu tư tốt và dịch vụ tốt thì chúng ta vẫn có cách thức để phục hồi”, bà Trần Nguyện khẳng định. Tương tự, bà Hoa cũng cho rằng: “Vấn đề Visa chỉ là một phần trong phát triển du lịch bền vững và đóng góp tích cực hơn, vì vậy, chúng tôi sẽ có sự phối hợp để có giải pháp liên hoàn cho hệ sinh thái du lịch”.  

Thanh Tùng - Ngọc Vy
Bạn đang đọc bài viết Chính sách du lịch cần phản ứng nhanh hơn để thu hút khách quốc tế tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tìm đường cho du lịch nông nghiệp phát triển bền vững
Vào ngày mai (22/2) tại Bến Tre, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng như người làm du lịch - nông nghiệp và các bên liên quan sẽ cùng dự hội thảo để tìm đường cho du lịch nông nghiệp, từ đó, góp phần thúc đẩy loại hình này phát triển bền vững.