Chuyên gia khuyến nghị nhà nước "không dùng ngân sách để cứu bất động sản"
TCDN - Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, nhà nước không nên dùng ngân sách để giải cứu thị trường bất động sản mà mà doanh nghiệp bất động sản phải thông qua cơ chế chính sách của nhà nước để tự “cứu” lấy mình.
Không dùng ngân sách để giải cứu thị trường bất động sản
Tại phiên thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, đại diện các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế cùng các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản và thị trường tài chính Việt Nam hiện nay.
Đánh giá về thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho biết, nhìn tổng quát, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.
"Vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở, mà nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội", ông Châu đánh giá.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia kiến nghị 3 nhóm giải pháp trong ngắn hạn.
Nhóm giải pháp thứ nhất là lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Trước hết là phải minh bạch thông tin và thông điệp mạnh mẽ. Tiếp đến là sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan. Cùng với đó có phương án cụ thể, khả thi cho thị trường trái phiếu thời gian tới.
“Theo quan điểm của tôi là không dùng ngân sách để giải cứu thị trường bất động sản. Vì đây là câu chuyện của thị trường, nhà nước chỉ tạo cơ chế, còn nhà đầu tư chia sẻ, doanh nghiệp cũng phải chịu rủi ro”, ông Lực phát biểu.
Nhóm giải pháp thứ hai là ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ rào cản pháp lý và vốn cho nền kinh tế.
Nhóm giải pháp thứ ba là đảm bảo thanh khoản của thị trường, đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.
“Cần sớm có giải pháp xử lý các ngân hàng yếu kém, không để rủi ro lan truyền giữa chứng khoán, bất động sản và ngân hàng”, ông Lực đề xuất.
Ngoài ra, ông Lực cũng kiến nghị Thủ tướng và Ủy ban Kinh tế Trung ương tiếp tục kiên định ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn.
Theo chuyên gia này, cần đảm bảo 4 cân bằng: Cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng; Cân bằng giữa điều hành lãi suất và tỷ giá; Cân bằng giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp người dân; Cân bằng giữa vốn đầu tư nhà nước và tư nhân.
“Trong năm qua, vốn đầu tư của tư nhân tăng trưởng rất thấp, chỉ khoảng 10%, trong khi vốn đầu tư nhà nước lại tăng mạnh”, ông Lực phân tích.
Cũng theo ông Lực, Nhà nước cần khởi thông các nguồn vốn, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và hết sức quan tâm tới pháp lý cho hàng nghìn dự án bất động sản đang tồn đọng trên cả nước. Cùng với đó, khơi thông nhanh dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp và tăng cường vốn tăng trưởng xanh.
Theo chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thời gian tới, cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc 3 công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Còn theo ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, những khó khăn này đã đưa thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn suy giảm có nhiều điểm tương đồng với thời kỳ khủng hoảng năm 2012. Nếu không có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, thị trường bất động sản sẽ khó để khởi sắc và chuyển biến tích cực.
Vì vậy, theo ông Đỗ Viết Chiến, giai đoạn này thị trường rất cần sự can thiệp nhanh chóng của Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách hợp lý để từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “vực dậy”.
“Chúng ta không nên nói nhà nước “cứu hay không cứu” thị trường bất động sản. Bởi thực chất, nhà nước muốn “cứu” cũng không thể “cứu” được mà phải là doanh nghiệp bất động sản thông qua cơ chế chính sách của nhà nước để tự “cứu” lấy mình.
Doanh nghiệp nào có năng lực thật sự, biết cách ứng phó với những biến động của thị trường, sức cạnh tranh mạnh, doanh nghiệp đó sẽ vượt qua khó khăn còn vai trò của nhà nước lúc này là vai trò hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cởi mở”, ông Chiến bày tỏ.
Thị trường bất động sản năm 2023 được dự báo có nhiều dấu hiệu tích cực
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2023, TS. Cấn Văn Lực cho hay, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng kinh tế Việt Nam trong 2023. Kinh tế sẽ phục hồi nhanh, các động lực tăng trưởng phục hồi mạnh hơn, trong đó phải kể đến sự phục hồi của du lịch nội địa, lạm phát cơ bản được kiểm soát, tỷ giá lãi suất tăng nhưng trong tiên lượng và tầm kiểm soát.
Còn ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, bức tranh với gam màu trầm chủ đạo xuất hiện khi thị trường bất động sản bắt đầu suy giảm từ quý 2/2022. Trong đó, mức độ quan tâm và lượng giao dịch bất động sản đều có xu hướng giảm do tác động của những thông tin không tích cực như chủ đầu tư lớn bỏ cọc lô đất tại Thủ Thiêm; Fed lần đầu tiên tăng lãi suất sau hơn 3 năm khiến nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động; các công ty bất động sản cắt giảm lượng lớn nhân sự khi thị trường bất động sản đi xuống...
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong giai đoạn này như thách thức về nguồn vốn, giá bán bất động sản tăng quá cao, sự biến động của nhân sự khi thị trường gặp khó. Những thông tin, biến động đó đã ảnh hưởng lớn đến lượng quan tâm đến thị trường bất động sản trong thời gian qua. Trong năm 2022, tất cả các đối tượng tham gia thị trường đều gặp khó khăn.
Tuy vậy, ông Nguyễn Quốc Anh dự báo thị trường bất động sản sẽ có sự đảo chiều trong năm 2023: “Ngay trong 2022, đã có thông tin tích cực hơn. Cụ thể, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/9/2022 trong việc quy định chào bán trái phiếu. Một trợ lực khác là việc Chính phủ đã Quyết định thành lập tổ công tác gỡ khó cho thị trường bất động sản; chưa kể room tín dụng vừa nới với biên độ 1,5% - 2%, dù không phải tất cả room tín dụng được nới đều đổ vào bất động sản. Khi các chính sách hỗ trợ rõ nét hơn, thị trường ngay lập tức sẽ đảo chiều. Trong năm nay, chưa có một sự hỗ trợ cụ thể nào đối với lĩnh vực này. Song, kỳ vọng tín hiệu đảo chiều sẽ diễn ra vào cuối năm 2023”.
Theo các chuyên gia, để thích ứng với thực tế thị trường hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản cần phải có những điều chỉnh phù hợp, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và bình tĩnh chờ tín hiệu điều chỉnh từ lãi suất, tăng trưởng tín dụng và những nỗ lực tháo gỡ khó khăn pháp lý mà Chính phủ đang thực hiện.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899