Công ty chứng khoán lớn chi phối cuộc chơi margin
TCDN - 25 công ty chứng khoán lớn nhất ở Việt Nam thường xuyên chiếm trên 90% dư nợ của ngành. 10% dư nợ còn lại thuộc về khoảng 45 tổ chức khác.
Dữ liệu thống kê về quy mô margin tại 25 công ty chứng khoán lớn nhất cho thấy tổng giá trị giải ngân đến thời điểm cuối tháng 6/2024 đạt hơn 201.000 tỷ đồng. Đây là một kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kể từ khi thị trường tạo đáy cuối quý 4/2022, tổng margin tại nhóm 25 công ty chứng khoán lớn nhất trải qua 6 quý tăng trưởng liên tiếp. Mức tăng trong hai quý gần đây đạt quanh 21.000 tỷ đồng, tương đương quý thứ hai năm ngoái.
Việc nhóm 25 công ty chứng khoán lớn nhất thường xuyên chiếm trên 90% dư nợ của ngành có thể phản ánh bức tranh chung về margin của cả thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sau khi vượt mức đỉnh thiết lập trước đó (hơn 160.000 tỷ đồng vào cuối quý 1/2022) trong quý đầu năm nay, dư nợ margin tiếp tục gia tăng xuất phát từ nhu cầu vốn lớn của nội khối. Đây là hiện tượng dễ đoán bởi nhà đầu tư trong nước đã chi ra hơn 2 tỷ USD mua ròng cổ phiếu, đóng vai trò nâng đỡ khi khối ngoại bán ra. Một phần vốn được sử dụng từ nguồn vay margin tại các công ty chứng khoán.
Miếng bánh margin của thị trường không ngừng lớn, song cơ hội lại không chia đều cho các bên. Những vận động trong nghiệp vụ cho vay tại các doanh nghiệp đang cho thấy một diễn biến khác lạ so với hình dung của số đông.
Doanh nghiệp lớn chi phối cuộc chơi margin
Hơn 90% dư nợ của thị trường nằm trong 25 công ty chứng khoán lớn nhất, gần 10% còn lại chia phần cho khoảng 45 tổ chức. Trong số 25 công ty chứng khoán này, thị phần của 10 cái tên dẫn đầu có phần áp đảo khi thường xuyên chiếm trên 2/3 giá trị giải ngân cho vay của cả nhóm.
Tại ngày 30/6, thị trường có 5 công ty chứng khoán có giá trị dư nợ đạt trên 10.000 tỷ đồng, tiếp tục là những cái tên quen thuộc như TCBS, SSI, HSC, VNDirect, VPS. Đây cũng là 5 tổ chức dẫn đầu về thị phần môi giới.
Số công ty có dư nợ trong khoảng 5.000 – 10.000 tỷ đồng tăng, song không mấy đột phá ngoại trừ “tân binh” là công ty con của ngân hàng như VPBankS, MBS, ACBS, VCBS.
Hiện dư nợ cho vay của VPBankS và MBS lần lượt là 9.823 tỷ đồng và 9.079 tỷ đồng. Đây có thể là hai nhân tố góp mặt vào nhóm đạt dư nợ trên 10.000 tỷ đồng những quý tới. Đặc biệt khi MBS thực hiện kế hoạch nâng vốn điều lệ.
Dòng tiền dồi dào từ ngân hàng
Sự vươn lên của nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái ngân hàng đặt trong bối cảnh tiềm lực vốn của tập đoàn mẹ dồi dào đi kèm với thanh khoản lớn của toàn hệ thống.
Trong quý vừa qua, TCBS tiếp tục gia tăng khoảng cách với doanh nghiệp thứ hai về dư nợ margin – Chứng khoán SSI. Dư nợ cuối tháng 6 tại công ty con của Techcombank đạt 24.198 tỷ đồng, vượt qua kỷ lục 22.746 tỷ đồng của SSI ghi nhận cuối tháng 3/2022.
TCBS nằm trong số ít tổ chức trên thị trường duy trì phong độ tăng trưởng margin trong 4 quý liên tiếp, bất chấp những sóng gió của thị trường. 5 doanh nghiệp cũng đạt được kết quả này là HSC, VPBankS, ACBS, Kafi và Bảo Việt. Ngoài HSC, 4 cái tên còn lại đều thuộc hệ sinh thái tài chính – ngân hàng.
Kafi là mảng ghép mới liên quan gia đình ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Ngân hàng VIB. Xuất hiện trên thị trường không lâu nhưng công ty chứng khoán này sớm điền tên vào Top 20 nhờ việc liên tục tăng vốn chủ. Tương tự, tăng trưởng của HSC và ACBS cũng là hệ quả từ việc tăng vốn.
Cẩm nang dành cho doanh nghiệp mới
Trở lại với xu hướng chung, tổng margin toàn thị trường tăng, nhưng ẩn sau bức tranh sáng là xu hướng phân hóa rõ nét. Nếu như 4 tổ chức dẫn đầu thị trường (TCBS, SSI, HSC, Mirae Assets) đã giải ngân thêm gần 14.400 tỷ đồng để cho vay thêm trong quý vừa qua, số khác lại đi lùi như VPS, Vietcap, KIS Việt Nam, BSC, SHS, Rồng Việt, VietinBank Securities.
Những đơn vị vừa kể trên đều là những tên tuổi lớn, hoạt động nhiều năm trong ngành. Việc đuối sức trên sân chơi thị phần môi giới là một trong những nguyên nhân chính khiến các đơn vị không thể đẩy mạnh được hoạt động margin.
Hiện, cấu trúc từ hoạt động margin của công ty chứng khoán có thể được chia gồm hai mảng là cho vay cá nhân (bán lẻ) hoặc cho vay tổ chức, thương vụ (deal).
Margin và thị phần môi giới có tính chất bình thông nhau, còn hoạt động cho vay deal phụ thuộc lớn vào định hướng chiến lược tổ chức, khẩu vị giới chủ, lịch sử quan hệ và chất lượng tài chính doanh nghiệp. Đó là lý do vì sao các tổ chức thực hiện đồng thời giải pháp đẩy mạnh mảng bán lẻ nhờ phí giao dịch và lãi vay.
Khi những tổ chức lớn xu hướng xa rời mảng cho vay deal để tập trung mảng bán lẻ thì nghiệp vụ này lại được nhóm tầm trung tận dụng để tìm kiếm dư địa tăng trưởng. Đây chính là hệ quả của việc margin của một số doanh nghiệp không đồng pha thị phần.
Còn với những tổ chức mới, tăng vốn là giải pháp thứ yếu để nâng cao sự cạnh tranh, đánh chiếm thị phần. Giải pháp ấy đã được minh chứng với VPBankS, Kafi, ACBS.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899