Cử tri phản ánh hầu hết doanh nghiệp và cá nhân chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ
TCDN - Theo ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri cho rằng hầu hết doanh nghiệp và người dân đến nay vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho hay, cử tri phản ánh việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện các gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ doanh nghiệp 16.000 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch COVID-19 thời gian qua còn chậm, một số nơi còn xảy ra thiếu sót và trùng đối tượng thụ hưởng.
Việc hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động còn rất bất cập; hầu hết doanh nghiệp và nhiều người dân đến nay vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ.
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ khách sạn, vận tải; một số lượng lớn người lao động bị thiếu hoặc mất việc làm dẫn đến không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp.
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động, người dân mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn. Kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ như: miễn, giảm, gia hạn thuế và các khoản thu ngân sách, cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay…
Trong đó có các giải pháp kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020, giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2020. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất của năm 2020 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ khi đăng ký đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Trình cấp có thẩm quyền xem xét để hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, trong đó có ngành hàng không.
Đến nay, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi với tổng số dư nợ vay trên 3 triệu tỷ đồng; giảm giá tiền điện 9,2 nghìn tỷ đồng; gia hạn nộp trên 66 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ 12,4 nghìn tỷ đồng cho gần 12,5 triệu người dân và 23 nghìn hộ kinh doanh; đồng thời cho phép tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận, việc giải ngân gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19 còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.
"Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp để các chính sách hỗ trợ sớm phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn cuộc sống", Thủ tướng nói.
Báo cáo về công tác thẩm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và một số định hướng lớn giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội; làm rõ khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu bổ sung các giải pháp thực hiện mục tiêu phòng, chống đại dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2020 và giai đoạn tiếp theo.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899