Cục Thuế Phú Thọ thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 35%
TCDN - Cục Thuế Phú Thọ cho biết, thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 7.726 tỷ đồng, bằng 135,3% dự toán Bộ Tài chính, HĐND giao; bằng 128,9% so với dự toán phấn đấu. Tất cả các đơn vị được giao dự toán thu ngân sách nhà nước đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, năm 2023, Cục Thuế Phú Thọ còn chú trọng công tác quản lý kê khai, kế toán thuế và kiểm soát hoàn thuế, giúp người nộp thuế khai đúng, khai đủ và nộp các thủ tục hồ sơ, nộp thuế và hoàn thuế kịp thời, đúng quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) được tăng cường, và nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, góp phần chống thất thu và tăng thu NSNN…
Ngành Thuế đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu mới trong công tác quản lý thuế; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai áp dụng hiệu quả hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế được khởi tạo từ máy tính tiền đến các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh; tiếp tục duy trì, xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh triển khai hệ thống khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử trên phạm vi toàn tỉnh…
Trong năm 2024, Cục trưởng Cục Thuế Phú Thọ Nguyễn Huy Hồng nhấn mạnh, công tác thu ngân sách sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức, khó khăn.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, Cục trưởng đề nghị các đơn vị tập trung khai thác, mở rộng nguồn thu, tăng cường đôn đốc thu nộp để bù đắp các nguồn thu dự kiến thiếu hụt trong thời gian tới do giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác. Quản lý chặt chẽ các đối tượng thu, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu nộp ngân sách; đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu và có các giải pháp quản lý thu hiệu quả.
Tiếp tục đề xuất và thực hiện các giải pháp chống thất thu NSNN đối với hộ kinh doanh, quản lý thuế các dự án đầu trên địa bàn tỉnh; từ việc quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên trong đó có khai thác đất san lấp; hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; hoạt động kinh doanh phi truyền thống (thương mại điện tử; kinh doanh dịch vụ trên nền tảng công nghệ…).
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trong đó cần tập trung thanh tra, kiểm tra các: doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; doanh nghiệp hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, điện lực; doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án; các ngành nghề kinh doanh mới, đặc thù; doanh nghiệp, tổ chức tài chính ngân hàng; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá; doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất xuất khẩu, gia công cho thương nhân nước ngoài; doanh nghiệp chế xuất.
Đẩy mạnh điện tử hóa trong công tác quản lý thuế trên các lĩnh vực, hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu như quản lý đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, thực hiện phân tích rủi ro, quản lý nợ đọng thuế theo phương thức điện tử, quản lý hóa đơn điện tử, tiếp tục điện tử hóa đối với công tác quản lý lệ phí trước bạ, các loại phí, lệ phí... tăng cường triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu điện tử đến cơ quan thuế đối với hộ kinh doanh theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế (cần lưu ý kiểm tra, kiểm soát các hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899