Đại biểu QH: Cần linh hoạt giảm thuế, phí, tiền thuê đất kịp thời
TCDN - Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội ngày 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần thực hiện linh hoạt các giải pháp tài khóa như giảm thuế GTGT 2%, tiền thuê đất…; tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng.
Thực hiện linh hoạt các giải pháp tài khóa
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, kinh tế xã hội năm 2023 là năm rất khó khăn không chỉ riêng đối với Việt Nam mà cả ở trên thế giới. Tuy nhiên, so với bối cảnh kinh tế thế giới thì Việt Nam vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Trong khi lạm phát thế giới còn cao thì lạm phát của Việt Nam vẫn được kiềm chế trong giới hạn cho phép. Kết quả về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ khoảng 5% so với mục tiêu 6,5% nhưng so với nhiều nước trên thế giới và khu vực thì Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng…
Tuy nhiên, theo đại biểu trong năm 2023, tình trạng đình trệ, chậm tăng trưởng trong khu vực kinh tế, doanh nghiệp vẫn là vấn đề cần được xem xét. Nguồn vốn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gần như bị bão hòa. Nếu không có giải pháp kịp thời thì có thể nền kinh tế của nước ta vấn sẽ phát triển trì trệ vì Việt Nam đang chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, dự báo 2024 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế thế giới chưa có sự phục hồi rõ. Những yếu tố tác động từ bên ngoài sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam. Để tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng thuận với các giải pháp của Chính phủ đã đề ra. Đồng thời cần thực hiện linh hoạt các giải pháp tài khóa, thực hiện ngay giảm thuế GTGT 2% bằng việc Quốc hội ban hành một nghị quyết ngay từ kỳ họp thứ 6 này. Ngoài ra, cần thực hiện giảm thuế, giảm tiền thuê đất; kịp thời có chính sách tài khóa đối với tiền tệ, điều hành ngân hàng, hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ cao hơn.
Đối với chính sách tài chính, tài khóa, ngân sách, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần tiếp tục giữ được ngân sách một cách ổn định. Ngoài ra, đầu tư công cần phải đến lúc thay đổi và cần chính sách mới như đặt hàng cho các tập đoàn kinh tế lớn để đẩy nhanh tốc độ như chính sách đặt hàng công nghiệp đường sắt.
Theo đại biểu Đinh Tiến Dũng (Hà Nội), Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thông qua thay đổi về thể chế, doanh nghiệp có thể thể tiếp cận với nguồn vốn vay một cách thuận lợi hơn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, bày tỏ sự lo lắng về nhiều dự án đầu tư bất động sản, công trình xây dựng còn đang dở dang là sự lãng phí lớn, đại biểu Đinh Tiến Dũng đề nghị Quốc hội cần có sự đạo bằng việc ra nghị quyết hay có chủ trương giải quyết kịp thời.
Trong khi đó, đại biểu Hà Quốc Trị (Khánh Hòa) lo lắng về vấn đề tỷ lệ đầu tư tư nhân sụt giảm, chỉ bằng 1/6 so với giai đoạn trước đại dịch. Đại biểu Hà Quốc Trị cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tín dụng tăng trưởng thấp, dù trung ương đã đề ra những chính sách rất thông thoáng về tài chính, tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhưng các cấp địa phương thì thực hiện một cách quá chặt chẽ. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo các điều kiện đi kèm.
Cùng với đó, tình trạng này cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan: các quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh còn chậm trong lập, phê duyệt, triển khai, gây tắc nghẽn trong vấn đề liên quan đến đất đai, làm ảnh hướng đến việc đầu tư tư nhân.
Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, năm 2022 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các Tổ chức tín dụng, tuy nhiên các biện pháp đều không hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 mà còn có xu hướng tăng, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.
Đáng chú ý là cuối tháng 9/2022, trong vòng 1 tháng, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (vào ngày 23/9/2022 và ngày 25/10/2022) với tổng mức tăng 2% dẫn đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đều đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm (có lãi suất huy động trên 11%, lãi suất cho vay trên 13%). Việc đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi của NHNN, trong khi các Ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022 là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục có phương án điều chỉnh lãi suất cho vay, cung cấp nguồn vốn kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xem xét xây dựng các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh hoặc các ngành nghề chịu ảnh hưởng sau dịch Covid-19. Trong khi đó thì gói hỗ trợ lãi suất 2% với 40 nghìn tỷ đang ế hơn 38 nghìn tỷ. Lãnh đạo ngân hàng nhiều lần giải thích nguyên nhân là do doanh nghiệp không có nhu cầu, nhưng kiểm toán lại chỉ ra rằng công tác truyền thông của NHNN chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, các ngân hàng thương mại thì chưa tích cực triển khai chính sách.
Cũng trong lĩnh vực ngân hàng, theo ông Hà Sỹ Đồng, vấn đề cần lưu ý là nợ xấu ngân hàng đang cao và sẽ tiếp tục gia tăng, phản ánh sức khỏe nền kinh tế thực. Tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2,0% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.
Nếu loại trừ các ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt và thêm Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân, tỷ lệ này là 2,86%. Đáng quan ngại, theo thông tin tôi có được, nếu cập nhật tới 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, mà nguyên nhân chính là do nợ xấu của 1 ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt. Con số này sẽ tiếp tục tăng nữa, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn khoanh, giãn, hoãn. Điều này lý giải một phần tại sao tín dụng ngân hàng 9 tháng đầu năm nay tăng chậm.
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó, có giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; Quyết liệt triển khai nhanh, mạnh, kịp thời chính sách giãn, hoãn, gia hạn, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; cần có các biện pháp căn cơ, toàn diện giải bài toán “cơn khát việc làm”; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị có chiến lược và chính sách hỗ trợ bài bản, đủ mạnh để thúc đẩy phát triển nông nghiệp tương xứng với vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế. Về lâu dài phải thực hiện tốt vấn đề quy hoạch, tích tụ ruộng đất, đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá làm rõ hơn về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo của Chính phủ mới chỉ đề cập đến, số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đại biểu cho rằng cần đánh giá toàn diện bên cạnh các khía cạnh tích cực còn số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cùng với đó doanh nghiệp còn rất khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cũng như khó khăn về thể chế.
Nêu rõ, Chính phủ đã có rất nhiều những chương trình về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó cải cách thể chế là một trọng tâm. Hiện nay, một số chuyên gia cho rằng là do phải chống dịch, phải thực hiện những biện pháp bổ sung như chương trình phục hồi, phát triển kinh tế nên dường như cải cách thể chế có xu hướng chững lại. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ, báo cáo rõ cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899