Đấu thầu trang thiết bị y tế: Bộ Y tế và 63 địa phương đều vi phạm

10/03/2021, 08:24

TCDN - Thanh tra Chính phủ khẳng định, Bộ Y tế và tất cả các địa phương đều có thiếu sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế và đầu thầu thuốc từ bước lập kế hoạch, đấu thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng.

Tại văn bản phúc đáp kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, năm 2018 tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế .

Năm 2019 thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế (TTBYT) và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Ngoài ra còn tiến hành một số cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng. Hiện 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện thanh tra xong.

TTCP cho biết, qua tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra xác định có nhiều tồn tại, thiếu sót, vi phạm. Trong đó, cơ quan thanh tra chỉ rõ một số địa phương không ban hành danh mục mua sắm tập trung TTBYT trước khi thực hiện việc mua sắm mà thực hiện mua sắm tại tuyến tỉnh và phân cấp cho các cơ sở y tế trái quy định, tạo điều kiện cho các đơn vị được phân cấp chia nhỏ gói thầu để áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu trái luật. Nhiều địa phương có tỷ lệ gói thầu thực hiện mua sắm theo hình thức chỉ định thầu và chào hàng cạnh tranh lên tới 90%.

CDC Hà Nội vi phạm nghiêm trọng trong đấu thầu thiết bị y tế.

CDC Hà Nội vi phạm nghiêm trọng trong đấu thầu thiết bị y tế.

Đáng chú ý, theo TTCP, Bộ Y tế và tất cả các địa phương đều có thiếu sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định về mua sắm, đấu thầu từ bước lập kế hoạch, đấu thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng. Vi phạm chủ yếu xảy ra tại bước lập giá kế hoạch gói thầu và thẩm định giá.

TTCP khẳng định, việc thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế vừa qua chỉ mang tính hình thức, hiệu quả rất thấp hoặc không có hiệu quả. Tỷ lệ giảm giá trung bình của tổng số gói thầu tại 3 bộ, 50 địa phương chỉ đạt 1,26%. Cá biệt, tại một số địa phương nhiều gói thầu mua sắm TTBYT đấu thầu rộng rãi nhưng tỉ lệ giảm giá sau đấu thầu là 0%.

Việc Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố không đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử các thông tin về giá trúng thầu mua sắm TTBYT của các cơ sở y tế công lập trên phạm vi toàn quốc, danh sách các TTBYT đã bị thu hồi số lưu hành, dẫn đến các địa phương không có căn cứ tham khảo, phát hiện chênh lệch giá mua sắm trang thiết bị y tế giống nhau hoặc có cấu hình tương tự khi xây dựng giá kế hoạch. Việc làm trên không thực hiện đúng quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ- CP.

Đặc biệt, việc đẩy giá trị thiết bị lên cao khi định giá mua sắm TTBYT để đưa vào liên doanh, liên kết tại các cơ sở y tế và ký kết hợp đồng đặt mua sắm TTBYT kèm điều khoản ràng buộc mua các sản phẩm hóa chất, vật tư từ đối tác với giá độc quyền đã dẫn đến thiệt hại cho quyền lợi của cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh.

TTCP cho biết, sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vĩ mô liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương; đồng thời sẽ công khai khi kết luận chính thức được ban hành.

Thời gian vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực liên doanh, liên kết đầu tư thiết bị y tế vào các cơ sở khám chữa bệnh.

Nổi bật như vụ việc ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội), Bệnh viện Bạch Mai và Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty BMS liên tiếp trúng gần 20 gói thầu về cung cấp vật tư và trang thiết bị y tế tại nhiều tỉnh, thành với giá trị từ vài tỷ đến vài trăm tỷ đồng.

Tại các tỉnh, thành phố khi tiến hành thanh tra đều chỉ ra hàng loạt sai phạm. Tại Tp.HCM cuối năm 2020, sau khi thanh tra về việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh, Thanh tra Tp.HCM đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Bệnh viện Ung Bướu, Nhân dân Gia Định, Nhi Đồng 1.

Tại Đắk Lắk, cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa truy tố 12 bị can liên quan đến sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Theo nội dung kết luận điều tra bổ sung, trong quá trình tổ chức đấu thầu các mặt hàng thuộc Gói thầu thuốc theo tên Generic năm 2014 - 2015, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt kết quả đấu thầu đối với 7 mặt hàng gồm: Calcium Stada 500mg, Partamol 80mg, Patamol 150mg, Patamol 250mg, Meloxicam Stada 15mg, Cefustad kid và Vitamin C Stada 1g là các mặt hàng đạt tiêu chuẩn nhóm 3 nhưng đã phê duyệt trúng thầu nhóm 2 là không đúng theo quy định, gây chênh lệch chi phí giá thuốc cao hơn. Từ đó, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã thi hành các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 bị can để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Sơn La...

Trong năm 2021, Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình công tác thanh tra, trong đó chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Đấu thầu trang thiết bị y tế: Bộ Y tế và 63 địa phương đều vi phạm tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan