Đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý hiện tượng mua bán hóa đơn điện tử giả để trục lợi

03/06/2023, 18:25
báo nói -

TCDN - Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Công an ngày 2/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Công an vào cuộc, điều tra, xử lý hiện tượng mua bán hóa đơn điện tử giả để trục lợi diễn ra trong thời gian qua.

Chiều ngày 2/6, Bộ Tài chính đã làm việc với Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn và thúc đẩy triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Tổ trưởng Tổ thường trực Tổ công tác Đề án 06, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 2 cuộc họp về Đề án 06 và sau đó đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo. Ngày 30/5/2023, Thủ tướng chính phủ ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc.

Buổi làm việc nhằm đánh giá các nội dung và tiến độ để thực hiện triển khai Đề án 06 và Chỉ thị 18 đối với các nhiệm vụ Bộ Tài chính được giao, bao gồm việc hoàn thiện thể chế pháp luật; chuẩn bị hạ tầng công nghệ, đảm bảo an toàn bảo mật; hoàn thiện dữ liệu trong lĩnh vực tài chính đặc biệt là những lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp như thuế, hải quan, chứng khoán, kho bạc; chuẩn bị đầy đủ về nhân lực…

Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính gồm 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó có 10 cơ sở dữ liệu đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và 2 cơ sở dữ liệu đang thực hiện. Việc tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về Thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang trong quá trình triển khai.

Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng cục Thuế cho biết hiện đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế đối với cá nhân khi triển khai sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Dự Thảo thông tư đang được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trước khi trình Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến rộng rãi.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế đang triển khai để đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và làm sạch, thống nhất sử dụng mã số định danh công dân là mã số thuế. Căn cứ trên dữ liệu xác thực và dữ liệu định danh cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, Tổng cục Thuế đã tổ chức việc đối sánh dữ liệu giữa dữ liệu mã số thuế cá nhân và dữ liệu dân cư. Đối với các trường hợp sai lệch, Tổng cục Thuế sẽ hướng dẫn các Cơ quan thuế và người nộp thuế thay đổi, hiệu đính thông tin chính xác. Đến thời điểm hiện tại có 48 triệu mã số thuế cá nhân đã được đối chiếu, làm sạch; 27 triệu còn phải bổ sung thêm thông tin. Với các trường hợp cấp mã số thuế mới từ tháng 7/2022, Tổng cục Thuế cũng đã đồng bộ với mã số định danh công dân.

Cơ quan thuế cũng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Tính đến giữa tháng 4/2023, đã có hơn 13 nghìn doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công. Số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đạt hơn 3 triệu hóa đơn, tổng số tiền thuế thu được là 104,8 tỷ đồng. Đến giữa tháng 5/2023, có gần 17 nghìn doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 4,68 triệu hóa đơn với tổng tiền thuế thu được trên thông tin hóa đơn là 222,8 tỷ đồng.

Cơ quan thuế cũng triển khai các giải pháp tăng cường quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử như hoàn thiện thể chế quản lý thuế trong hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sản xuất thông minh, giao dịch xuyên biên giới…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an để triển khai việc kê khai, đăng ký, nộp thuế trên ứng dụng định danh điện tử (VNeID), sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, xác thực thông tin người nộp thuế trên các nền tảng của ngành thuế, hải quan.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính ý thức rất cao về chuyển đổi số, đặc biệt là về kết nối dữ liệu liên thông với dữ liệu dân cư. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tập trung làm tốt một số việc như: phát hành hóa đơn điện tử, mang lại lợi ích lớn, đóng góp vào số thu nội địa; triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và Cổng thương mại điện tử. Vì vậy, nếu kết nối đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp ích rất lớn trong việc chống thất thu thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công an vào cuộc, điều tra, xử lý hiện tượng mua bán hóa đơn điện tử giả để trục lợi diễn ra trong thời gian qua.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ rà soát, triển khai để nhanh chóng hoàn thiện vấn đề về pháp luật; hệ thống công nghệ; đảm bảo dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời… Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tiếp thu ý kiến của Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai để tiếp tục tháo gỡ, triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án và các Chỉ thị của Chính phủ.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý hiện tượng mua bán hóa đơn điện tử giả để trục lợi tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan