Đề xuất sửa đổi quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế
TCDN - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính, thay thế Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg.
Giữ nguyên quy định về vị trí, sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn
Theo dự thảo, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giữ nguyên quy định về vị trí, chức năng của Tổng cục Thuế là tổ chức thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa trong phạm vi cả nước, bao gồm: thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là thuế); tổ chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Thuế có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ của Tổng cục Thuế như sau:
Bổ sung, làm rõ nhiệm vụ của Tổng cục Thuế trong việc xây dựng dự thảo Thông tư về quản lý thuế để đảm bảo phù hợp với phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với Tổng cục Thuế và một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thuế.
Sửa đổi, bổ sung, làm rõ nhiệm vụ của Tổng cục Thuế trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; việc hướng dẫn, giải thích chính sách thuế, chính sách quản lý thuế thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Thuế đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 11 Điều 4, Khoản 2, khoản 3 Điều 18 Luật Quản lý thuế và phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bổ sung nhiệm vụ "xây dựng dự toán thu thuế hàng năm; phối hợp xây dựng kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia theo quy định. Phân tích, đánh giá, dự báo và tổ chức thực hiện thu ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý" để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 45, Điều 17, Điều 43 Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), khoản 1 Điều 18 Luật Quản lý thuế và thực tế công tác dự toán hiện nay của Tổng cục Thuế được các cấp có thẩm quyền giao trong thời gian qua như cung cấp thông tin, tình hình thu NSNN phục vụ công tác điều hành kinh tế vĩ mô, điều hành cân đối thu chi NSNN, điều hành ngân quỹ đảm bảo an toàn tài chính quốc gia của Chính phủ, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình thu NSNN để phục vụ công tác quản lý thuế nói riêng và chỉ đạo điều hành NSNN nói chung.
Bổ sung nhiệm vụ về "tiếp công dân" và "phòng chống tham nhũng, tiêu cực" đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Tiếp công dân năm 2013 và Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.
Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ về xây dựng, triển khai, quản trị, vận hành hệ thống phần mềm ứng dụng, nền tảng cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và chuyển đổi số để làm rõ các nhiệm vụ đang triển khai; đảm bảo phù hợp mục tiêu của Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và quy định về an toàn, an ninh mạng tại Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14.
Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ về quản lý biên chế công chức, viên chức, vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức,... đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 14/2023/NĐ-CP và pháp luật có liên quan như Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP.
Về cơ cấu tổ chức, dự thảo nêu rõ, theo quy định tại Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg, cơ quan Tổng cục thuế (tại Trung ương) gồm: 17 tổ chức, đơn vị, trong đó: 15 tổ chức hành chính (Vụ, Cục, Văn phòng), 02 đơn vị sự nghiệp công lập (Trường Nghiệp vụ thuế, Tạp chí Thuế).
Trên cơ sở kết quả rà soát các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép giữ nguyên bộ máy của Tổng cục Thuế đối với 13 Vụ, đơn vị gồm: (1) Vụ Pháp chế, (2) Vụ Dự toán thu thuế, (3) Vụ Hợp tác quốc tế, (4) Cục Công nghệ thông tin, (5) Vụ Tổ chức cán bộ, (6) Văn phòng, (7) Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân, (8) Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế,(9) Vụ Kê khai và Kế toán thuế; (10) Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế, (11) Vụ Tài vụ - Quản trị, (12) Cục Thuế Doanh nghiệp lớn và (13)Tạp chí Thuế. Các tổ chức, đơn vị nêu trên đáp ứng tiêu chí thành lập theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Đề xuất đổi tên một số đơn vị
Trên cơ sở những bất cập đã báo cáo tại mục 2 phần I nêu trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ đổi tên một số đơn vị để đảm bảo tên gọi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của đơn vị, cụ thể: Đổi tên Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng thành Cục Kiểm tra nội bộ để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật Thanh tra (trong đó quy định chức năng của Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ: “Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật”).
Đổi tên Vụ Chính sách thành Vụ Chính sách quản lý thuế nội địa để phân định với chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí.
Giải thể Trường Nghiệp vụ Thuế
Thực hiện Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm “a) Trước năm 2025, thực hiện sáp nhập Trường Nghiệp vụ Thuế vào Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính”. Theo đó, Bộ Tài chính xây dựng Đề án giải thể Trường Nghiệp vụ thuế thuộc Tổng cục Thuế (đính kèm); thời gian giải thể từ ngày 01/01/2025. Đồng thời, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung nội dung này vào nội dung tại Điều 5 về Hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp dự thảo Quyết định.
Phương án để giải thể Trường Nghiệp vụ thuế như sau: Về nhiệm vụ chuyển nhiệm vụ về xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng và tổ chức bồi dưỡng công chức, viên chức của Tổng cục Thuế về Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính; chuyển nhiệm vụ tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế về một Vụ/Cục thuộc Tổng cục Thuế.
Về nhân sự: Trường Nghiệp vụ Thuế hiện có 43 viên chức, trong đó có 1 Giám đốc, 2 Phó giám đốc, 4 Trưởng phòng/khoa và tương đương, 7 Phó Trưởng phòng, 29 viên chức. Theo đó, căn cứ nguyện vọng cá nhân và nhu cầu các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Tài chính sẽ thực hiện điều chuyển, sắp xếp viên chức của Trường sang các đơn vị khác thuộc Tổng cục Thuế, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính hoặc các đơn vị khác trong ngành; tiếp nhận không qua thi vào công chức đối với những viên chức đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP hoặc giải quyết thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định.
Về cơ sở vật chất: Trường Nghiệp vụ thuế hiện đang sử dụng trụ sở cùng trụ sở của Tổng cục Thuế tại 123 Lò Đúc và được giao quản lý, khai thác cơ sở vật chất tại Trung tâm bồi dưỡng miền Trung (tại Thừa Thiên Huế) với công năng gồm: 1 Hội trường với 600 chỗ ngồi, 10 hội trường nhỏ sức chứa từ 50 đến 150 chỗ ngồi, 9 phòng làm việc, 30 phòng chức năng; Khu ký túc xá gồm 316 phòng nghỉ học viên và 72 phòng nghỉ giáo viên và 57 phòng chức năng. Theo đó, việc khai thác sử dụng tài sản đang giao cho Trường Nghiệp vụ thuế nêu trên sẽ chuyển giao về Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính hoặc một đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính để quản lý, khai thác theo quy định.
Như vậy, sau khi sắp xếp, kiện toàn, bộ máy cơ quan Tổng cục Thuế giảm 1 đơn vị (từ 17 xuống còn 16 đơn vị).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899