Doanh nghiệp nước ngoài nói gì về thuế ở Việt Nam?

22/12/2020, 11:24

TCDN - Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp, quá trình nộp thuế, chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư lớn… khiến cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2020 sáng 22/12, đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đã chia sẻ hàng loạt các vấn đề và kiến nghị về chính sách thuế tại Việt Nam.

Liên quan đến chính sách thuế quy định mức trần chi phí lãi vay 30% lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi, tiền vay, đại diện Phòng Thương mại Anh Quốc tại Việt Nam (Britcham Việt Nam) cho rằng, trong kinh doanh và xuất khẩu cà phê, chính sách thuế này khuyến khích các công ty bán cà phê giao ngay cho các công ty nước ngoài. Trong khi thị trường cà phê kỳ hạn vẫn có thể bù đắp chi phí lãi vay khi giữ cà phê ở Việt Nam khi thị trường đang có cấu trúc 'contango' (giá tương lai của hàng hóa cao hơn giá giao ngay được dự kiến trong tương lai). Điều đó nghĩa là doanh nghiệp xuất khẩu bỏ lỡ lợi nhuận từ giao dịch vì lợi nhuận được ghi nhận bởi đơn vị nước ngoài nơi đặt sổ kinh doanh.

“Ngoài ra, các công ty thương mại Anh không thể giao dịch với đối tác liên doanh địa phương cũng là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, vì sau đó họ sẽ phải chịu trách nhiệm về thuế này. Trước khi áp dụng thuế này, các công ty thương mại Anh đã thường xuyên giao dịch với đối tác liên doanh bất cứ khi nào doanh nghiệp có cà phê với phẩm chất đặc biệt mà họ cần”, đại diện Britcham Việt Nam nhấn mạnh.

Nhiều kiến nghị được doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2020.

Nhiều kiến nghị được doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2020.

Britcham Việt Nam kiến nghị về việc hủy mức trần về chi phí lãi vay cho cà phê và các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa khác. Mặc dù quy định đưa ra tốt nhưng không thực tế trong thực tiễn, hoặc tối thiểu trong ngành kinh doanh cà phê.

Trong khi đó, ông Kim HanYong Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho hay, quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 80% trong 3 quý đầu chưa phù hợp.

“Do ngày đến hạn thanh toán trong quý 4 là vào cuối tháng 1 năm sau, nên cuối cùng công ty phải quyết toán chậm nhất vào cuối tháng 1 để tính số thuế doanh nghiệp phải nộp cuối cùng và tính 80% cho phù hợp. Do đó, thời hạn quyết toán đến cuối tháng 3 theo luật trên thực tế không được áp dụng và doanh nghiệp phải quyết toán trước tháng 1 để tránh nộp thuế phạt bổ sung nên phát sinh rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Kim HanYong nói.

Đồng thời, đề xuất cần cải thiện sửa đổi ví dụ như đối với khoản tạm nộp hàng quý, khi nộp số tiền được điều chỉnh hợp lý được tính toán theo kết quả kinh doanh hàng quý của năm hiện tại lấy tiêu chuẩn là 1/4 số thuế doanh nghiệp đã nộp trong năm trước thì sẽ không phải nộp khoản thuế phạt chậm nộp,…

Đối với doanh nghiệp Nhật Bản, theo ông Tetsu Funayama, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được nhận ưu đãi về thuế bằng cách nộp đơn xin cho Cơ quan có thẩm quyền để đăng ký đầu tư dự án từ 6 nghìn tỷ đồng trở lên trong vòng 3 năm.

Ông Tetsu Funayama phân tích: “Đầu tiên họ sẽ đầu tư vào dự án có quy mô vừa và nhỏ, sau đó mới đưa ra quyết định chuyển sang đầu tư quy mô lớn dựa trên đánh giá thực tế phản ứng thị trường dựa trên khoản đầu tư ban đầu. Bởi vậy, chúng tôi tin tưởng rằng nếu chính phủ cho phép doanh nghiệp được chứng nhận đầu tư quy mô lớn tính theo lũy kế thì Việt Nam sẽ có thêm nhiều dự án lớn hơn 6 nghìn tỷ đồng hơn nữa”.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn chính phủ Việt Nam sẽ cho phép áp dụng Chính sách ưu đãi thuế đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện đầu tư từ 6 nghìn tỷ đồng trở lên tính theo lũy kế bao gồm cả số tiền đầu tư tăng thêm sau khi đã đăng ký dự án đầu tư, hoặc sau khi đã thực hiện đầu tư cho cùng lĩnh vực trong thời gian trước đây.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kiến nghị về cơ chế chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp chế xuất, đánh thuế giá chuyển nhượng, ưu đãi thuế cho toàn bộ chuỗi cung ứng...

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục lắng nghe doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới.

Đối với những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thuế, hải quan trong sản xuất, xuất khẩu, gia công xuất khẩu của các doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp nước ngoài…, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay, chúng tôi sẽ lắng nghe và tiếp tục sửa đổi trong thời gian tới nhằm tạo môi trường kinh doanh, thông thoáng tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ đã hoàn chỉnh và trình Chính phủ ban hành Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Với Đề án này, Chính phủ tham vọng cải cách triệt để, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp nước ngoài nói gì về thuế ở Việt Nam? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý 75% từ 2021
Tổng cục Thuế cho biết, quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm sẽ được thực hiện từ năm 2021.