Doanh nghiệp thành lập mới, ngân hàng thương mại cổ phần có thể được Nhà nước bổ sung vốn
TCDN - Doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế do Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ như ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước có thể được bổ sung vốn nhà nước.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Đề cương Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi).
Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13) quy định có 4 hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp: thành lập doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; bổ sung vốn cho doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đang hoạt động; bổ sung vốn để tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp và tương ứng với mỗi hình thức đầu tư có quy định phạm vi đầu tư vốn cụ thể khác nhau.
Việc quy định phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước để tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp tại doanh nghiệp thuộc trường hợp không thu hút được các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài đối với doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công thiết yếu cho xã hội cần rà soát lại cho phù hợp với việc điều chỉnh đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) và chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công thông qua lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công trên cơ sở tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, định mức kinh tế kỹ thuật.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, qua thực tế phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp chưa hợp lý, dẫn đến thiếu căn cứ pháp lý khi nhà nước muốn bổ sung duy trì tỉ lệ vốn cho 1 số doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Đơn cử như việc bổ sung vốn cho các Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
Đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế cần thiết được đầu tư vốn nhà nước lại không có cơ sở để đề xuất đầu tư bổ sung, thiếu nguồn lực vốn để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các mục tiêu xã hội.
Nhằm xác định đúng và rõ ràng phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp dưới các hình thức, cụ thể là phạm vi trong việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước để tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng cần phải sửa đổi hình thức và phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất: Phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước để tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp tại doanh nghiệp nên điều chỉnh lại theo hướng thuộc phạm vi đầu tư để thành lập mới doanh nghiệp.
Đồng thời bổ sung thêm các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế do Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ (như việc bổ sung vốn cho các Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước thời gian qua).
Bộ Tài chính cho rằng với phương án trên sẽ hạn chế được tiêu cực và có tác động tích cực. Cụ thể, đối với cơ quan nhà nước, khi phạm vi đầu tư vốn nhà nước được xác định đúng đắn, việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là những doanh nghiệp thực sự cần thiết nhà nước đầu tư, mang lại hiệu quả về nhiều mặt (xã hội, an ninh quốc phòng, kinh tế…).
Đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần thiết được đầu tư vốn nhà nước sẽ có điều kiện được đáp ứng về vốn để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế cũng như thực hiện các mục tiêu xã hội.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899