Doanh nhân Nguyễn Tri Phương: Miệt mài chắp cánh cho những giấc mơ khởi nghiệp

03/01/2023, 11:08
báo nói -

TCDN - Dù điều hành nhiều công ty riêng, nhưng hơn 10 năm qua, doanh nhân Nguyễn Tri Phương - Giám đốc Cấp cao Tổ chức Kết nối Cộng đồng Kinh doanh Việt Nam – BNI vẫn dành thời gian hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Không chỉ giúp các chủ doanh nghiệp này xây dựng hệ thống và phát triển kĩ năng quản trị, doanh nhân Nguyễn Tri Phương còn đang ấp ủ kế hoạch tạo ra nhiều nền tảng để hỗ trợ về nguồn nhân lực cho họ hiệu quả hơn.

Nhân dịp đầu năm mới 2023, doanh nhân Nguyễn Tri Phương đã chia sẻ với chúng tôi những góc nhìn riêng về các doanh nghiệp khởi nghiệp.  

Thưa ông, cơ duyên nào đưa ông đến với hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp?

Năm 2002, khi còn học ở trường Đại học Kinh tế TP.HCM, tôi đã thành lập CLB Nhân sự để hỗ trợ các bạn sinh viên tìm hiểu kiến thức về khởi nghiệp. Năm 2003, tôi công tác tại một doanh nghiệp chuyên về tư vấn đào tạo về quản trị doanh nghiệp, việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp từ đây cũng thường xuyên hơn. Đến năm 2011, tôi lập công ty riêng về tư vấn và đào tạo doanh nghiệp. Tính đến nay, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của tôi đã kéo dài khoảng 20 năm.

Trong quá trình tư vấn, tôi cũng tham gia điều hành và chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, khoảng 6 đơn vị mỗi năm. Các doanh nghiệp này hoạt động ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, dệt nhuộm… Hiện tại, tôi cũng hỗ trợ điều hành cho 6 doanh nghiệp khởi nghiệp, quy mô ở khoảng 20 – 100 tỷ đồng.

Những năm qua, anh đã đồng hành cùng các chương trình khởi nghiệp nào?

Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp và các cuộc thi ở TP.HCM, tôi cũng ưu tiên dành thời gian cho các doanh nghiệp ở tỉnh. Trong năm qua, tôi tham gia nhiều chương trình hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này ở Đồng Tháp, Bến Tre và Cần Thơ, thông qua các trung tâm khởi nghiệp và tỉnh đoàn địa phương.

Anh thấy gì ở các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay qua các chương trình đó?

Điểm mạnh của những doanh nghiệp này là chủ động tìm hiểu thông tin trên internet và họ nắm rất nhiều thông tin về lĩnh vực đang làm.

Tuy nhiên, họ khá tự tin rằng họ sẽ làm được. Chuyện làm được này, thực tế là tiềm năng thị trường. Còn làm thành công hay không thì phải dựa vào năng lực thực thi của doanh nghiệp đó nữa.

Khoảng 70% các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay đều chưa có định hướng đúng về mặt tư duy. Khi tham gia đào tạo và tư vấn miễn phí cho chủ doanh nghiệp trước các cuộc thi khởi nghiệp, tôi thấy rằng họ quá tập trung vào việc tìm giải pháp bán sản phẩm. Trong khi đó, cái họ cần làm đầu tiên là hiểu cách xây dựng hệ thống, xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp. Cùng bán một sản phẩm như nhau, nhưng doanh nghiệp này bán tốt còn đơn vị kia thì không. Điểm khác biệt là việc xác định mô hình kinh doanh phù hợp thị trường.

Khoảng 70% các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay đều chưa có định hướng đúng về mặt tư duy.

Khoảng 70% các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay đều chưa có định hướng đúng về mặt tư duy.

Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp này cũng thiếu rất nhiều các kĩ năng về điều hành, quản trị, kinh doanh… Những thứ này họ phải đi học và trải nghiệm mới cải thiện được.

Về lĩnh vực kinh doanh, các doanh nghiệp ở tỉnh còn bị hạn chế về ý tưởng, khi chỉ tập trung vào nguồn tài nguyên địa phương (chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp như dừa, sen…). Riêng các bạn ở TP.HCM thì hướng đến lĩnh vực công nghệ chia sẻ và thương mại, kết nối thị trường rộng hơn.

Theo anh, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần ưu tiên cho những yếu tố nào trong giai đoạn đầu hoạt động kinh doanh?

Không có công thức thành công chung nào cho tất cả mọi người. Theo kinh nghiệm riêng, tôi cho rằng chủ doanh nghiệp cần xác định được mô hình kinh doanh phù hợp trước tiên (ý tưởng, phân khúc thị trường, chiến lược marketing…). Mục tiêu trong giai đoạn đầu của doanh nghiệp là bán được thật nhiều sản phẩm nhưng sản phẩm đó phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Mục tiêu trong giai đoạn đầu của doanh nghiệp là bán được thật nhiều sản phẩm nhưng sản phẩm đó phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Mục tiêu trong giai đoạn đầu của doanh nghiệp là bán được thật nhiều sản phẩm nhưng sản phẩm đó phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Kế đến là phải có nguồn lực tài chính và lập kế hoạch phân bổ kĩ lưỡng cho từng giai đoạn phát triển. Không có doanh nghiệp nào kinh doanh thành công trên nền tảng “tay không bắt giặc”. Trong giai đoạn đầu, cũng không nên đầu tư nguồn lực quá nhiều cho bộ máy hành chính (như việc thành lập nhiều phòng ban). Cuối cùng, yếu tố nguồn nhân lực phải được chú trọng đầu tư suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, anh có kế hoạch gì để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động hiệu quả hơn?

Tôi đang có kế hoạch hợp tác với các trung tâm khởi nghiệp để tạo ra chương trình hỗ trợ lâu dài, ít nhất khoảng 6 tháng đến 1 năm. Chương trình này không chỉ tư vấn mà còn hỗ trợ đào tạo và đồng hành dài hạn. Trước đây, các buổi hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ kèo dài 1-2 ngày. Chi phí cũng mang tính chất hỗ trợ là chính.

Ngoài ra, trong năm 2023, tôi dự định triển khai nhiều công cụ mới nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đầu tiên là nền tảng tìm kiếm nhân sự phù hợp và chất lượng cho doanh nghiệp (Jobs Connect). Các trang tìm việc hiện nay hầu như chưa giúp phía doanh nghiệp tuyển dụng sàng lọc ứng viên hiệu quả. Nhờ hiểu được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp qua quá trình tư vấn hơn 10 năm qua, chúng tôi xây dựng nền tảng này để khắc phục khiếm khuyết đó.

Về phía ứng viên, nền tảng sẽ yêu cầu thực hiện một bảng kiểm tra đầu vào qua nhiều yếu tố như năng lực, mong muốn, phong cách hành vi… Về phía doanh nghiệp, nền tảng này sẽ cung cấp một công cụ giúp mô tả cụ thể và thực tế về yêu cầu công việc, chứ không chung chung như nhiều doanh nghiệp đã làm trước đây.

Hiện nay, doanh nghiệp phải trả từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi tháng cho các trang tìm việc. Với Jobs Connect, doanh nghiệp chỉ phải trả 1 USD cho mỗi CV. Ngoài ra, doanh nghiệp và ứng viên được sử dụng miễn phí hoàn toàn nền tảng này.

Doanh nhân Nguyễn Tri Phương đang có kế hoạch hợp tác với các trung tâm khởi nghiệp để tạo ra chương trình hỗ trợ lâu dài, ít nhất khoảng 6 tháng đến 1 năm.

Doanh nhân Nguyễn Tri Phương đang có kế hoạch hợp tác với các trung tâm khởi nghiệp để tạo ra chương trình hỗ trợ lâu dài, ít nhất khoảng 6 tháng đến 1 năm.

Nền tảng thứ hai giúp đáp ứng nhu cầu kết nối các chuyên gia của doanh nghiệp (Connect Experts). Thực tế, doanh nghiệp ở bất kỳ ngành nghề nào cũng cần ý kiến tư vấn của chuyên gia. Các chuyên gia này có thể không nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng họ lại rất thành thạo về chuyên môn trong lĩnh vực đang làm. Doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh ở rất nhiều ngành, do đó lĩnh vực hoạt động của chuyên gia cũng đa dạng, cả trong và ngoài nước. Mức phí kết nối sẽ tùy vào nhu cầu của doanh nghiệp và thời gian trao đổi.

Cái thiếu của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam là tiền và kinh nghiệm, nhưng để xin được lời khuyên của các doanh nghiệp đi trước hoặc chuyên gia thì càng thiếu hơn. Vì vậy, nền tảng này giống như “ngọn đuốc”, giúp họ định hướng đúng con đường phát triển, nhưng vẫn tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí.

Xin cảm ơn anh!

Nguyễn Dương
Bạn đang đọc bài viết Doanh nhân Nguyễn Tri Phương: Miệt mài chắp cánh cho những giấc mơ khởi nghiệp tại chuyên mục DOANH NHÂN của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan