BaF nuôi “heo ăn chay” bằng vốn quốc tế

31/12/2022, 10:22
báo nói -

TCDN - Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF) vừa được Công ty Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation - IFC) đồng ý giải ngân khoản đầu tư 900 tỷ đồng để phát triển chuỗi khép kín 3F . Lãi suất khoản vay này chỉ bằng một nửa lãi suất cho vay của các ngân hàng trong nước.

Sức hút của “Heo ăn chay”

Cuộc hẹn của chúng tôi với lãnh đạo BaF vào một buổi sáng giữa tháng 12/2022 phải dời lại buổi chiều. Ông Phan Ngọc Ấn – Phó Tổng giám đốc BaF giải thích rằng do phải làm việc đột xuất với một ngân hàng nước ngoài. Sau buổi gặp gỡ này, đối tác ngân hàng đã đồng ý cho BaF vay gói 600 tỷ đồng để phát triển mô hình làm nông nghiệp khép kín 3F (Feed – Farm – Food). Khoản vay này mang đến cho BaF lợi thế khá lớn về chi phí, vì lãi suất chỉ bằng một nửa lãi suất cho vay của các ngân hàng trong nước ở hiện tại.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2022, IFC cũng đã đồng ý giải ngân cho BaF khoản đầu tư 900 tỷ đồng qua hình thức trái phiếu, để đầu tư cho hoạt động phát triển chuỗi khép kín 3F và đặc biệt cho thương hiệu thịt sạch “heo ăn chay”. Ông Ấn bộc bạch: “Sau cái bắt tay thành công với IFC, nhiều tổ chức đầu tư quốc tế chủ động tìm đến chúng tôi. Vì BaF đầu tư bài bản và có hiệu quả rõ ràng. Hơn nữa, BaF đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của một tổ chức quốc tế như IFC”. Rõ ràng, sức hút của BaF không chỉ đến từ sản phẩm lạ trên thị trường là “heo ăn chay”, mà còn đến từ nhiều yếu tố khác.

IFC đã đồng ý giải ngân cho BaF khoản đầu tư 900 tỷ đồng qua hình thức trái phiếu, để đầu tư cho hoạt động phát triển chuỗi khép kín 3F.

IFC đã đồng ý giải ngân cho BaF khoản đầu tư 900 tỷ đồng qua hình thức trái phiếu, để đầu tư cho hoạt động phát triển chuỗi khép kín 3F.

Sau khi thành công với hoạt động xuất khẩu gạo với Tập đoàn Tân Long, ông Trương Sỹ Bá (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long) nuôi tham vọng mở rộng sang mảng chăn nuôi bằng mô hình 3F. Thành lập từ năm 2017, BaF tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi khi thị trường đã có khá nhiều đối thủ lớn. Do đó, chỉ trong 3 năm ngắn ngủi, vị chủ tịch của Tập đoàn Tân Long và BaF nhanh chóng mở rộng tới 16 trang trại nuôi heo, bên cạnh 3 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và cơ sở giết mổ. Tuy nhiên, mô hình cũ đối mặt nhiều rủi ro về tính bền vững. 

Các trang trại kiểu cũ thường gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn nước. Bên cạnh đó, nếu hợp tác theo mô hình gia công rồi thu mua heo hơi, thì khó kiểm soát đầu vào về con giống, năng suất và chất lượng thịt. Hệ quả sau đó là vấn đề an toàn sinh học trong khâu thành phẩm cũng sẽ rất nghiêm trọng. Chẳng hạn, nếu thịt heo bán ra thị trường chứa chất cấm, không đảm bảo an toàn thực phẩm (chất tạo nạc, dư lượng kháng sinh, chất tạo màu, thuốc tăng trọng…) thì dễ khiến công sức đầu tư cả chuỗi 3F đổ vỡ.

Do đó, năm 2020, ông Trương Sỹ Bá chấp nhận dừng phương án cũ để đi tìm mô hình mới tối ưu hơn. Giữa năm 2020, Công ty BaF đã đưa ra đề án phát triển mô hình chuỗi khép kín 3F hiện đại, tiên phong về công nghệ, an toàn sinh học và hệ thống tái sử dụng nguồn nước với tầm nhìn đến năm 2030. Tất cả các khâu từ đầu vào đến đầu ra đều được cải tiến và kiểm soát hoàn toàn.

Sau khi thành công với hoạt động xuất khẩu gạo với Tập đoàn Tân Long, ông Trương Sỹ Bá nuôi tham vọng mở rộng sang mảng chăn nuôi bằng mô hình 3F.

Sau khi thành công với hoạt động xuất khẩu gạo với Tập đoàn Tân Long, ông Trương Sỹ Bá nuôi tham vọng mở rộng sang mảng chăn nuôi bằng mô hình 3F.

BaF xác định rằng, có 5 yếu tố để quyết định thành công của một doanh nghiệp chăn nuôi chuỗi khép kín. Đó là giống chất lượng cao, công nghệ chuồng trại hiện đại, chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi sạch, đảm bảo an toàn sinh học và hệ thống nhân sự vận hành hiệu quả.

Từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thông thường, BaF đã dần tiêu chuẩn hóa theo nguyên tắc quốc tế. Để đạt 2 chứng nhận quốc tế (GLOBALG.A.P. CFM 3.0 và FSSC 22000 V5.1), nhà máy cám BaF Tây Ninh phải đáp ứng gần 250 tiêu chí khắt khe. 

Điểm đặc biệt của nhà máy góp phần tạo nên “linh hồn” của BaF chính là thức ăn chăn nuôi có gốc hoàn toàn từ thực vật. Thông thường, thức ăn cho heo thường chứa một phần các loại nguyên liệu bột xương, bột cá hoặc bột huyết… chứa nhiều protein động vật (để tiết giảm chi phí theo yêu cầu của thị trường cám thương mại). Tuy nhiên, theo ông Ấn, hơn 50 loại nguyên liệu cung cấp nguồn dinh dưỡng trong một viên cám được sản xuất của BaF, phần lớn là bắp và khô đậu nành. Tỉ trọng nhỏ còn lại là nguyên liệu phụ và các khoáng chất, vitamine cần thiết cho heo. Vì vậy, tên gọi “heo ăn chay” ra đời từ đó.

Phó Tổng giám đốc Phan Ngọc Ấn lý giải, quá nhiều thành phần gốc động vật trong thức ăn chăn nuôi dễ khiến thịt heo thành phẩm bị cứng và dai. Mặt khác, xu hướng dài hạn là người tiêu dùng ưu tiên sử dụng các sản phẩm có tính “xanh – sạch” tốt cho sức khỏe. Do đó, BaF mạnh dạn đầu tư toàn bộ hệ thống nhà mày cám theo hướng này. Hiện hai nhà máy Phú Mỹ và Tây Ninh của BaF có công suất 240.000 tấn/năm, dự kiến nâng công suất lên 420.000 tấn/năm vào đầu năm 2023. Con số này sẽ đưa BaF đứng thứ 5 tại Việt Nam về công suất sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Để đạt 2 chứng nhận quốc tế, nhà máy cám BaF Tây Ninh phải đáp ứng gần 250 tiêu chí khắt khe.

Để đạt 2 chứng nhận quốc tế, nhà máy cám BaF Tây Ninh phải đáp ứng gần 250 tiêu chí khắt khe.

BaF cũng rất kĩ lưỡng trong khâu con giống. Khác với một số doanh nghiệp thu mua heo của người dân nuôi nhỏ lẻ và khó kiểm soát chất lượng giống đầu vào, BaF hợp tác độc quyền con giống với công ty di truyền giống thuộc top 3 thế giới là Genesus (Canada). Cùng với việc cam kết không sử dụng các chất độc hại, nguồn gốc thịt heo Canada mềm hơn thịt heo địa phương, giúp thịt heo BaF có điểm khác biệt nhất định trên thị trường. “Chúng tôi cũng có chương trình bán lại con giống F1 cho vài công ty chăn nuôi lớn ở Việt Nam”, ông Ấn cho biết thêm.

Với định hướng phát triển mô hình chuỗi 3F khép kín hoàn toàn, BaF chủ động hoàn toàn trong khâu nuôi heo, sản xuất cám và liên kết với Sibafood (thành viên thuộc Tập đoàn Tân Long) phát triển hệ thống bán hàng riêng. Hiện tại, Sibafood đang có hệ thống 60 cửa hàng tiện lợi Sibafood và 250 quầy MeatShop. Dự kiến đến năm 2030, hệ thống của Sibafood sẽ mở rộng đến 1.500 cửa hàng Sibafood và 15.000 quầy MeatShop.

Chính nhờ đi theo  hướng khác biệt mà BaF dễ dàng huy động được nguồn vốn quốc tế với chi phí rẻ, trong bối cảnh nguồn vốn trong nước đang cạn kiệt. Đánh giá về vấn đề này, ông Mã Thanh Danh (Chủ tịch Công ty Tư vấn Quốc tế - CIB) cho rằng, BaF đang đi vào thị trường ngách. “Sản phẩm truy xuất nguồn gốc rõ ràng hay các sản phẩm có yếu tố sinh học đang là xu hướng phổ biến được người tiêu dùng thế giới quan tâm. Sở dĩ BaF “lấy lòng” được IFC vì chứng minh được họ đang theo đuổi mô hình chăn nuôi heo bền vững. Không chỉ đảm bảo các chỉ số tài chính, doanh nghiệp còn phải đáp ứng được những tiêu chí khắt khe về ESG (Môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) và CSR (Corperate Social Responsibility)”, ông Danh nói.

Bên cạnh đó, theo ông Danh, sản phẩm “heo ăn chay” cũng cần nhiều thời gian để chứng minh hiệu quả. Cái khó nhất chính là yếu tố đầu ra và thay đổi thói quen người tiêu dùng. Để bán được sản lượng lớn và giá cả hợp lý thì doanh nghiệp phải làm sao để người tiêu dùng phân biệt được lợi ích của “heo ăn chay” so với heo thường.

Điều khiến doanh nghiệp đau đầu nữa là tìm cách thay đổi thói quen “heo nào cũng giống nhau cả” của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Dù vậy, ông Danh vẫn cho rằng mô hình “heo ăn chay” rất cần được ủng hộ. Nông nghiệp sạch nói riêng và kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nói chung chính là xu hướng kinh tế của tương lai.

Đằng sau khoản vốn rẻ

Đến đầu tháng 12/2022, IFC đã đồng ý phương án giải ngân khoản đầu tư 900 tỷ đồng (tương đương 39 triệu USD) cho BaF, với lãi suất chỉ vào khoảng 5,5% mỗi năm. Khoản đầu tư này gồm 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và 300 tỷ đồng trái phiếu cao cấp.

Đại diện IFC cho biết, loại tài chính này thông thường không sẵn có trong lĩnh vực kinh doanh chăn nuôi nông nghiệp của Việt Nam. Gói tài trợ sẽ giúp củng cố cấu trúc vốn của BaF và cải thiện tính thanh khoản. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn thị trường bị gián đoạn hiện nay, vì ngành này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi (ASF) và đang gặp thêm tình trạng hỗn loạn do đại dịch COVID-19. “Việc mở rộng BaF được kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi nguồn cung thịt lợn cũng như cải thiện an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”, IFC nhấn mạnh.

Ngoài lợi thế vốn rẻ, theo ông Ấn, BaF còn được IFC tư vấn về an toàn thực phẩm, phát triển chuỗi bán lẻ Sibafood, thực hành chăn nuôi nông nghiệp tốt và phúc lợi động vật trên quy mô toàn cầu. “Cụ thể, để đáp ứng gần 250 tiêu chí khắt khe cho nhà mày sản xuất thức ăn chăn nuôi BaF Tây Ninh vừa rồi, IFC đã mời các chuyên gia từ châu Âu sang tư vấn cho BaF. Ngược lại, khi các doanh nghiệp khác muốn làm giống BaF, chúng tôi cũng sẽ đến tư vấn tường tận cách mà BaF đã làm để đạt các tiêu chuẩn quốc tế”, ông nói.

Trong giai đoạn vừa qua, lãi suất cho vay ở Việt Nam liên tục tăng, các nguồn vốn khác ngoài ngân hàng cũng gần như cạn kiệt. Để phục vụ cho kế hoạch phát triển dài hạn, BaF buộc phải ưu tiên tìm nguồn vốn lớn và rẻ. Đến năm 2030, BaF dự tính sẽ cần 45.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô đến 100 trang trại hiện đại, nuôi 200.000 heo nái và cung cấp ra thị trường 6 triệu con heo thịt mỗi năm. Khi đó, BaF từ vị trí thứ 5 thị trường sẽ vọt lên vị trí thứ 3, trong số các công ty đi theo mô hình 3F khép kín hoàn toàn tại Việt Nam. Gần hơn, đến năm 2025, BaF cũng cần thêm 6.500 tỷ đồng nữa. Do đó, ông Ấn cho biết việc đa dạng hóa nguồn vốn là chiến lược xuyên suốt. Hơn nữa, vay các ngân hàng trong nước thì phải chịu lãi suất khá cao và đối mặt rủi ro thường xuyên là hết “room”.

Ông Phan Ngọc Ấn cho biết, đến năm 2030, BaF dự tính sẽ cần 45.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô và đạt mục tiêu cung cấp ra thị trường 6 triệu con heo thịt mỗi năm.

Ông Phan Ngọc Ấn cho biết, đến năm 2030, BaF dự tính sẽ cần 45.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô và đạt mục tiêu cung cấp ra thị trường 6 triệu con heo thịt mỗi năm.

Tuy nhiên, ông Ấn lưu ý rằng, để vay được vốn rẻ với số lượng lớn thì doanh nghiệp cũng “trả giá” không ít. Cụ thể, BaF phải đáp ứng hàng ngàn tiêu chí mà IFC đưa ra, nhằm tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp và tài chính. Trong số 32 trang trại hiện có, BaF đầu tư mới 16 trang trại hiện đại, còn trang trại cũ thì đang dần chuyển đổi theo hướng tự động hóa và đảm bảo an toàn sinh học và phúc lợi động vật.

Ngoài công nghệ chuồng trại hiện đại (như hệ thống cho ăn tự động hay hệ thống vệ sinh hầm rút tự động, hệ thống tái sử dụng nguồn nước thải thành nước sinh hoạt để tái sử dụng…), BaF cũng sẽ thiết kế thêm các không gian sinh hoạt cho heo để đáp ứng các yêu cầu về phúc lợi động vật. Thậm chí, các đối tác của BaF cũng phải cam kết đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn nhất định về môi trường, an toàn lao động, nhân quyền, pháp lý… Bên cạnh đó, BaF cũng buộc phải lên kế hoạch đáp ứng các chỉ tiêu tài chính và tiêu chí hoạt động (các chỉ số lợi nhuận, thanh khoản, nợ/vốn…) theo yêu cầu của IFC. “Dù lãi suất thấp, nhưng nếu tài chính doanh nghiệp không lành mạnh thì làm sao trả được nợ cho họ”, ông phân tích.

Do đó, theo ông Ấn, không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng thích hợp để tìm nguồn vốn quốc tế. Khi vay vốn của IFC, BaF phải đầu tư hệ thống hiện đại và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, khiến chi phí đầu tư có thể tăng lên. Nhưng nếu đầu tư chuỗi khép kín hoàn toàn, lợi ích thu được sẽ cao hơn nhiều phần chi phí tăng thêm nhờ tối ưu hóa chi phí. Hiện nay, giá thịt heo BaF Meat bán ra thấp hơn thị trường khoảng 10-15% nhưng BaF vẫn đảm bảo lợi nhuận như kế hoạch. Vì vậy, theo ông Ấn, doanh nghiệp nào đầu tư hệ thống bài bản và có quy mô lớn mới thích hợp gọi vốn từ IFC.

Nguyễn Dương
Bạn đang đọc bài viết BaF nuôi “heo ăn chay” bằng vốn quốc tế tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Nông nghiệp Việt Nam hướng đến những giá trị xanh
Tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đã được thực hiện. Đó là như những mô hình canh tác lúa giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo“4 đúng,”