Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 tăng khoảng 5%

23/10/2023, 13:29
báo nói -

TCDN - Năm 2024 Chính phủ đặt mục tiêu dự toán thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 5% so với thực hiện năm 2023 để ưu tiên tăng cho đầu tư phát triển, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán, cân nhắc xây dựng dự toán thu ngân sách tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển...

Ban hành kịp thời các chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu

Báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, Thủ tướng cho biết Chính phủ đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng khoảng 5%; bội chi NSNN dưới 4% GDP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Để đạt các chỉ tiêu trên, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các lĩnh vực ưu tiên; triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi hiện có và nghiên cứu bổ sung các gói mới; phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng trên 15%.

Tập trung khắc phục hạn chế, bất cập đã được chỉ ra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm; bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch. Trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết thí điểm về phân cấp trọn gói, cơ chế, chính sách phù hợp thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện.

Thực hiện hiệu quả tăng thu, tiết kiệm chi NSNN; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Dự toán thu NSNN 2024 tăng khoảng 5% so với thực hiện năm 2023 để ưu tiên tăng cho đầu tư phát triển.

Trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng… Hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên; nâng cấp luồng vào khu bến cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), luồng vào khu bến cảng Thọ Quang (Đà Nẵng), luồng hàng hải Quy Nhơn và tuyến Chợ Gạo...;

Tiếp tục hoàn thiện chính sách đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN theo hướng tăng cường tính chủ đạo của ngân sách trung ương (cả thu ngân sách nhà nước và chi đầu tư phát triển); đồng thời nâng cao tính chủ động, tích cực, linh hoạt của ngân sách địa phương. Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, nhất là vốn vay nước ngoài, thủ tục thông thoáng, sử dụng hiệu quả; tập trung cho các công trình trọng điểm mang tính “xoay chuyển” tình thế, “chuyển đổi” trạng thái, chấm dứt tình trạng dàn trải, chia cắt, lãng phí, kém hiệu quả. Triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; hoàn thành chuyển giao bắt buộc 04 ngân hàng yếu kém; hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo.

Tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh đầu tư vốn của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, nhất là các dự án quy mô lớn, tác động dẫn dắt, lan tỏa trong các ngành kinh tế chủ lực, các ngành, lĩnh vực mới; sửa đổi Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh phân công, phân cấp; đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam… Xử lý từng bước chắc chắn dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài; hoàn thành cơ cấu lại 3 dự án hóa chất và trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương xử lý đối với 4/12 dự án còn lại.

Đánh giá lại tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP

Thẩm tra dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán NSNN, cân nhắc xây dựng dự toán thu NSNN tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ bổ sung nhiệm vụ, giải pháp như tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn, tiếp cận vốn tín dụng; điều hành hợp lý tỷ giá, lãi suất; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu; tập trung giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát và quản trị rủi ro hệ thống; bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện phương án xử lý các ngân hàng yếu kém. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ.

Tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép; nghiên cứu tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tiếp tục nâng cao năng lực theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành dự toán.

Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả.

Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, bến cảng, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng chuyển đổi số.

Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường kết nối kinh doanh, liên kết, tạo thế “cộng sinh” giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia, giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài. Phát triển mạnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững. Có giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu đặc biệt là điện, xăng, dầu.

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh. Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024; có giải pháp, chính sách hiệu quả để khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Xử lý có hiệu quả các bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu trường học, lớp học. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 tăng khoảng 5% tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thu ngân sách nhà nước đạt gần 70% dự toán
Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.124,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán năm và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Thu ngân sách nhà nước đạt 54% dự toán, giảm so với cùng kỳ
Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán, giảm so với cùng kỳ. Tiến độ một số khoản thu như tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và một số địa phương đạt thấp.