EU bổ sung mỳ ăn liền của Việt Nam vào danh sách kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

24/12/2021, 11:08

TCDN - Dự kiến kể từ ngày 6/1/2022, mỳ ăn liền của Việt Nam sẽ chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của ethylene oxide (tổng cộng của cả ethylene oxide và 2-chloro-ethanol, vì đều được đề cập là ethylene oxide).

Bổ sung mặt hàng mỳ ăn liền vào kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại EU.

Bổ sung mặt hàng mỳ ăn liền vào kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại EU.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 17/2, Uỷ ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số (EU) 2021/2246 , ban hành ngày 15/12/2021, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.

Theo đó, đối với Việt Nam, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm, quả và thực phẩm như sau: Rau mùi: 50%; Húng quế: 50%; Bạc Hà: 50%; Rau mùi tây: 50%; Đậu bắp: 50%; Hạt tiêu: 50%; Thanh long: 20%; Mì ăn liền : 20%.

Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo.

Như vậy, dự kiến kể từ ngày 6/1/2022, Mỳ ăn liền của Việt Nam sẽ chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của Ethylene Oxide (tổng cộng của cả ethylene oxide và 2-chloro-ethanol, vì đều được đề cập là ethylene oxide). Do mỳ ăn liền là sản phẩm tổng hợp, trong trường hợp sản phẩm có thêm trứng hoặc mỡ động vật, thì cần thêm chứng thư từ Cục Thú Y. Nếu thuần túy các sản phẩm từ thực vật thì cần liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để lấy chứng thư.

Thông tin liên quan kiểm soát dư lượng etylen oxide trong thực phẩm khi xuất khẩu, theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), tới thời điểm này, dữ liệu của RASFF cho thấy, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến etylen oxide. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).

EU là thị trường xuất khẩu lớn với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao. Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống sản xuất vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.

Trước đó, nhiều quốc gia tại EU đã ra thông báo thu hồi một số sản phẩm mỳ ăn liền, miến ăn liền của Việt Nam do hàm lượng etylen oxide trong các sản phẩm này vượt qua mức cho phép an toàn tại đây. 

An Tú
Bạn đang đọc bài viết EU bổ sung mỳ ăn liền của Việt Nam vào danh sách kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan