Giới nhà giàu Trung Quốc chưa dám chi tiền cho sản xuất, kinh doanh

16/04/2023, 09:14
báo nói -

TCDN - Đánh giá thấp triển vọng kinh tế trong nước lẫn quốc tế, giới nhà giàu Trung Quốc ưu tiên gửi tiền ngân hàng, mua vàng thay vì sản xuất, kinh doanh.

Xung đột quân sự ở Ukraine, lệnh trừng phạt của phương Tây với hoạt động kinh doanh của Nga, và quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng khiến Billy Huang, vị doanh nhân điều hành một tập đoàn đầu tư ở miền nam Trung Quốc, trì hoãn kế hoạch mở rộng ra nước ngoài trong năm nay.

Với thị trường nội địa, Huang cũng tỏ ra thận trọng dù Trung Quốc mở cửa trở lại. "Tôi đã tham khảo ý kiến của hơn 100 chuyên gia, hỏi xem điều gì đáng để đầu tư trong những năm tới và nên tránh nếu triển vọng kinh tế yếu", ông nói.

Dựa trên nghiên cứu của bản thân, Huang thu hẹp trọng tâm vào chăm sóc y tế và năng lượng, trong khi tránh xa thị trường hàng tiêu dùng nhanh và chăm sóc bà mẹ, trẻ em. Theo ông, nếu quan hệ Trung - Mỹ tiếp tục xấu hơn và rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, tiền mà người Trung Quốc mang ra nước ngoài, bất kể ở đâu, rất có thể gặp rủi ro nghiêm trọng.

nguoi giau Trung Quoc

"Hãy nhìn hoàn cảnh của giới tài phiệt Nga. Roman Abramovich là một bài học", ông nói. Tỷ phú Roman Abramovich là chủ cũ của Chelsea, một câu lạc bộ bóng đá ở Anh. Ông thuộc nhóm hơn 1.000 cá nhân và tổ chức Nga bị phương Tây trừng phạt vì mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Vladimir Putin.

Bất chấp triển vọng mở cửa trở lại mà Bắc Kinh mô tả, căng thẳng địa chính trị gia tăng, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, triển vọng xuất khẩu ảm đạm và sự hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu sau sụp đổ của Silicon Valley Bank, đều làm gia tăng cảm giác bất an trong giới nhà giàu Trung Quốc.

"Các doanh nhân Trung Quốc từng tỏ ra lạc quan nhất về nền kinh tế đất nước. Nhưng hiện tại, không nhiều người lạc quan trong 3 đến 5 năm tới", Huang nói thêm.

Theo khảo sát đối với giới nhà giàu (HNWI) ở Trung Quốc, được công ty tư vấn đầu tư Hurun công bố vào tháng trước, khoảng 70% người giàu Trung Quốc có kế hoạch tăng đầu tư nội địa ba năm tới.

Rachel Huang, người điều hành một công ty Internet ở Thâm Quyến, có kế hoạch khác. Bà là một trong số các cá nhân giàu ở Trung Quốc đang do dự trong việc phân bổ nhiều tiền hơn trước bối cảnh kinh tế đầy rủi ro.

Một số người bạn của bà Huang đã chứng kiến tài sản sụt giảm trong năm qua do tác động của thị trường hoặc chính sách. Vì vậy, gia đình bà quyết định tăng phân bổ đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền gửi, bảo hiểm và vàng.

Hurun nhận định rằng lần đầu tiên trong thập kỷ qua, tiền gửi ngân hàng trở thành một trong ba khoản đầu tư hàng đầu mà nhà giàu Trung Quốc dự định tăng ba năm tới, sau cổ phiếu và vàng. Trong khi đó, bất động sản tiếp tục đứng đầu danh sách các lĩnh vực mà họ có kế hoạch giảm đầu tư.

Hạm chế đầu tư nhưng điểm sáng là nhà giàu Trung Quốc vẫn có nhu cầu chi tiêu tốt, dù tổng quy mô của thị trường xa xỉ nước này đã giảm 5% vào năm ngoái, xuống còn 1.650 tỷ nhân dân tệ (240 tỷ USD).

Belle Liang, bán du thuyền ở tỉnh Hải Nam, vẫn kỳ vọng hoạt động kinh doanh phục hồi trong năm nay vì những người Trung Quốc giàu có có thể trở nên hào hứng chi tiêu hơn sau khi nới lỏng các hạn chế chống dịch.

"Tôi đã bán được 6-7 chiếc du thuyền nhỏ có giá dưới một triệu nhân dân tệ mỗi năm trong thời kỳ đại dịch. Nhưng năm nay, tôi dự kiến bán được hơn 5 chiếc nhỏ và khoảng 5 chiếc lớn với giá trên 10 triệu nhân dân tệ", bà nói.

Cùng với hoạt động trong nước, báo cáo "Chất lượng cuộc sống HNWI" của Trung Quốc năm 2023 cũng cho biết nơi đầu tư ra nước ngoài trong ba năm tới, với 23% số người được hỏi chọn Hong Kong, 14% nhắm đến Singapore và 11% định rót tiền vào Tokyo.

Annie Chung, một đại lý bán bảo hiểm cao cấp trụ sở tại Hong Kong có khách hàng là những người Trung Quốc đại lục giàu có, chỉ ra xu hướng dòng tiền chảy vào thành phố do lo ngại rủi ro sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và cuộc khủng hoảng niềm tin tại Credit Suisse. Một số công ty quản lý quỹ và bảo hiểm đã giới thiệu các sản phẩm để thu hút họ.

"Có một số khách hàng Trung Quốc gần đây đã cân nhắc đầu tư quỹ tại Hong Kong. Một số hợp đồng bảo hiểm theo kiểu tiết kiệm đang ngày càng hấp dẫn. Ít gặp khủng hoảng địa chính trị và tài chính, ổn định và an toàn – đó là những điều họ quan tâm nhất", ông Chung nói.

Tại Singapore, Bloomberg ghi nhận làn sóng người giàu Trung Quốc sang định cư từ 2019 đến nay. Họ chi tiền mua biệt thự, xe sang, thẻ hội viên tập golf. Rất ít người trong số họ đầu tư vào sản xuất và kinh doanh.

Một giám đốc điều hành cấp cao tại một trong những quỹ phòng hộ lớn nhất của Singapore đã mô tả nó như một "số 0 lớn" (big zero). Emmanuel Pitsilis, Đồng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Partners Capital Investment Group, nhận định các nhà đầu tư "không đến với một đống tiền mặt trong vali".

Rất nhiều tiền của người giàu Trung Quốc đang đổ vào các công ty quản lý tài sản gia đình ở Singapore. Chỉ một phần rất nhỏ trong số đó chảy vào các quỹ đầu tư hoặc công ty cổ phần tư nhân.

Quy mô khiêm tốn của hoạt động kinh doanh từ những người di cư siêu giàu của Trung Quốc thậm chí trở thành một chủ đề nóng trên nghị trường. Singapore tung ra các chương trình miễn thuế để thu hút công ty quản lý tài sản gia đình, với hy vọng thúc đẩy đầu tư và tạo ra làn sóng việc làm. Nhưng đến nay, thay vào đó, đảo quốc chỉ thấy giá cao hơn cho mọi thứ, từ căn hộ đến ôtô.

"Trong ít nhất hai năm, chúng tôi sẽ không đầu tư mới vào công việc kinh doanh, cũng như không đầu tư vào bất động sản, vì xuất khẩu của Trung Quốc và lợi tức thu được từ quy mô dân số đã trở thành dĩ vãng", bà nói. Nữ doanh nhân này cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc có thể tiếp tục đi xuống, kéo theo nền kinh tế và sự giàu sang của các cá nhân giảm cùng.

Nhã Vy/SCMP
Bạn đang đọc bài viết Giới nhà giàu Trung Quốc chưa dám chi tiền cho sản xuất, kinh doanh tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan