Hà Nội được hưởng một số cơ chế đặc thù

10/06/2020, 10:56
báo nói -

TCDN - Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội vừa thảo luận và thống nhất một số cơ chế đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Theo dự thảo, thành phố Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách đặc thù thuộc TP quản lý. Về quản lý thu ngân sách nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội thí điểm giao HĐND TP Hà Nội quyết định việc thu phí. 

HĐND TP Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn: Thu một số khoản phí chưa được quy định trong Danh mục Luật Phí, lệ phí; Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%).

Các khoản thu tăng thêm này, ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP.

Về việc ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhận thấy khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn liền với đất sau khi trừ đi chi phí di dời, xây dựng trụ sở mới của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố thì số còn lại (khoảng 30%) là nguồn thu của NSTW nhưng Chính phủ xin cho phép thành phố được hưởng 50% khoản thu này (tương ứng khoảng 15% số thu tiền sử dụng đất và bán tài sản công còn lại), để hỗ trợ cho thành phố có thêm nguồn lực đầu tư tốt hơn một số cơ sở hạ tầng quan trọng theo Chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030.

Ủy ban TCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ và quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với TP.HCM theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc bán tài sản công có nhiều khó khăn, quy trình và thủ tục phức tạp, kéo dài. Vì vậy, để quy định này có tính khả thi, đề nghị UBND Thành phố cần chủ động có Đề án tổng thể và đánh giá đầy đủ nguồn thu, lộ trình và kế hoạch, tổ chức thu từ lĩnh vực này trên địa bàn Thành phố, để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Về đề xuất cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp: Ủy ban TCNS cho rằng, căn cứ Điều 37 Luật NSNN, từ năm 2017 trở đi, khoản thu hồi vốn của ngân sách Thành phố đầu tư tại các tổ chức kinh tế, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận được chia, lợi nhuận sau thuế còn lại tại các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố đại diện chủ sở hữu là nguồn thu ngân sách Thành phố được hưởng 100%.

Do quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của ngân sách Thành phố tại các tổ chức kinh tế đã diễn ra từ trước năm 2017, đến nay có một số khoản thu cổ phần hóa vẫn do UBND Thành phố quản lý. Để có cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho UBND Thành phố sử dụng nguồn thu này nhằm tăng nguồn lực đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng quan trọng của Thủ đô và tương đồng với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình và đề nghị Thành phố báo cáo số liệu cụ thể về dự kiến nguồn thu này.

Đề nghị Chính phủ rà soát lại một số văn bản quy định về việc sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh, Thành phố là đại diện chủ sở hữu để sửa đổi cho thống nhất với Luật NSNN. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị các khoản thu này theo quy định của Luật NSNN là 100% của thu NSĐP đã được quy định tại Điều 37 của Luật NSNN, do đó, có thể không quy định lại trong Nghị quyết này.

Về việc giao quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách do Thủ tướng Chính phủ giao: Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS thấy rằng, căn cứ yêu cầu thực tế nhiệm vụ KT-XH và khả năng xã hội hóa đối với các lĩnh vực trên địa bàn Thủ đô, do đó, nhất trí với Tờ trình của Chính phủ.

Hiện nay các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Nghị quyết của Trung ương như giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ…đang có tỷ lệ chi ngân sách hằng năm được “quy định”, áp dụng bắt buộc cho các địa phương, trong đó có Hà Nội. Nếu bố trí tỷ lệ “cứng” như vậy sẽ dẫn đến khó khăn trong việc điều hành ngân sách.

Vì vậy, đối với những địa phương có khả năng xã hội hoá cao, nên cho phép bố trí chi NSĐP thấp hoặc cao hơn tỷ lệ quy định, song đề nghị Chính phủ cần có báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành chủ trương chung về vấn đề này. Cơ chế phân quyền này cũng được thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị đối với tỷ lệ chi tiêu ngân sách bắt buộc được định hướng theo Nghị quyết của Trung ương hoặc quy định trong các Luật thì không nên giao HĐND Thành phố quy định thay đổi lại các chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định, vì sẽ làm thay đổi tổng chi NSNN, không bảo đảm tỷ lệ theo Luật về Khoa học và công nghệ, Luật Giáo dục.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như đề xuất của Thành phố Hà Nội, cần tổng kết đánh giá và thay đổi cách lập, quyết định dự toán, theo đó khi lập và quyết định dự toán cần căn cứ nhu cầu thực tiễn của từng địa phương để giao dự toán, bảo đảm tỷ lệ chi tính trên tổng chi NSNN đã được Quốc hội quyết định, tuân thủ đúng Nghị quyết của Trung ương và các Luật hiện hành.

Về thực hiện cơ chế sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư: Ủy ban TCNS thấy rằng, thực hiện cải cách tiền lương là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và trên thực tế, cơ chế sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư đã được Quốc hội cho phép thực hiện đối với các địa phương có điều tiết về NSTW theo Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 thì các địa phương phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Để tạo cơ chế chủ động, linh hoạt như đã quy định thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh, xin Quốc hội xem xét, giao cho HĐND Thành phố Hà Nội xem xét, quyết định vấn đề này như đề xuất của Chính phủ.

Về việc cho phép Thành phố tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng: Ủy ban TCNS nhất trí với chủ trương cho phép UBND thành phố Hà Nội được tạm ứng sử dụng Quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và thời hạn tạm ứng là 36 tháng. Thời hạn này cũng tương tự như thời hạn quy định thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể về mức tạm ứng, cơ chế quản lý, sử dụng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ khoản vốn đầu tư này; bảo đảm an toàn Quỹ dự trữ tài chính và thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.

Về sử dụng kinh phí thường xuyên của ngân sách thành phố để đầu tư, nâng cấp, cải tạo, mở rộng đầu, tư xây dựng mới các công trình thiết yếu trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; Về nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố từ 70% lên 90%..UBTCNS cơ bản đồng tình.

Thanh Tân
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội được hưởng một số cơ chế đặc thù tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan