Hà Nội lên phương án cao nhất cho cách ly diện rộng

22/03/2020, 20:52

TCDN - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng bốn kịch bản, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho người dân trong các khu vực bị cách ly.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước và thành phố Hà Nội, số trường hợp ghi nhận nhiễm Covid-19 ngày càng tăng, với số lượng người cách ly lên tới hàng chục nghìn người do số lượng người bị lây nhiễm tăng mạnh và các du học sinh, người Việt sinh sống ở nước ngoài về nước.

Cùng với đó là nhu cầu các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng sử dụng cao trong mùa dịch sẽ tiếp tục tăng do thời gian dịch bệnh kéo dài.

Tại cuộc họp, Sở Công Thương Hà Nội trình bày các phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố; trong đó, tập trung vào cấp độ 3-4, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân và cho các địa phương có khu vực cách ly.

Căn cứ thực tế diễn biến của dịch Covid-19, cũng như số lượng người phải cách ly, trong thời gian qua, Sở Công Thương TP Hà Nội đã xây dựng 4 kịch bản cụ thể. (Ảnh minh họa)

Căn cứ thực tế diễn biến của dịch Covid-19, cũng như số lượng người phải cách ly, trong thời gian qua, Sở Công Thương TP Hà Nội đã xây dựng 4 kịch bản cụ thể. (Ảnh minh họa)

Kịch bản 1: Có 1 khu vực cách ly thuộc địa bàn 1 quận, huyện với  số người trong khu vực cách ly 200 người và 2.350 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày. Hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường.

Kịch bản 2: Có nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn 1 quận, huyện, giả định có 5 khu vực cách ly với số người trong khu vực cách ly 1000 người và 12.750 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày. Hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường và nhu cầu tăng cao hơn.

Kịch bản 3: Trên địa bàn có từ 20 ca nhiễm bệnh trở lên và nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn nhiều quận, huyện. Giả định có 10 khu vực cách ly với tổng số người trong khu vực cách ly 2.000 người và 127.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày. Tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn đáp ứng đầy đủ song vẫn có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ tại một thời gian ngắn nhất định do số lượng người dân đi mua hàng tăng cao vào một thời điểm. Hàng hóa phải điều tiết mạnh, nhiều lần/ngày trong các hệ thống phân phối trong Thành phố.

Kịch bản 4: Trên địa bàn có trên 1.000 trường hợp mắc và 30 quận huyện đều có khu cách ly. Giả định mỗi quận, huyện có từ 1-5 khu vực bị cách ly với số người trong khu vực cách ly 30.000 người và 382.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp (TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi, chợ…) phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly. Nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày, kho dữ trữ hàng hóa trong thành phố đã cạn hàng cần phải huy động hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác.

Ở kịch bản cao nhất của dịch bệnh Covid -19, Thành phố đã chuẩn bị cung cấp hàng hóa cho khu cách ly 14 ngày ở mức: 3.465 tấn gạo; 259 tấn thịt lợn; 1.848 tấn rau củ; 1.147.500 khẩu trang kháng khuẩn; 1.890.000 khẩu trang y tế...

Khi trên địa bàn xuất hiện các khu vực cách ly, UBND cấp huyện trên cơ sở số người thuộc diện cách ly, tính toán lượng nhu yếu phẩm cần cung ứng cho người dân trong 14 ngày và liên hệ với đơn vị cung cấp đã lựa chọn để tổ chức cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thuộc diện cách ly; bố trí lực lượng tổ chức tiếp nhận nhu yếu phẩm và phân cho người dân thuộc diện cách ly.

Trường hợp cấp huyện không huy động đủ nhu yếu phẩm cung ứng cho người dân thuộc diện cách ly, báo cáo ngay về Sở Công Thương để chỉ đạo, điều phối từ các đơn vị khác.

Căn cứ lượng hàng hóa và địa bàn hoạt động, kho dự trữ hàng hóa của từng doanh nghiệp, lên phương án cân đối hàng hóa và phân công cụ thể từng doanh nghiệp hỗ trợ cung ứng kịp thời hàng hóa cho từng quận, huyện có đề xuất.

Trường hợp trên địa bàn Thành phố không đủ nguồn cung, Sở Công Thương liên hệ ngay với đầu mối từ các tỉnh, thành phố còn khả năng cung ứng cho Hà Nội phối hợp, hỗ trợ Thành phố để đảm bảo nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân trên địa bàn...

Riêng trường hợp xuất hiện các khu vực cách ly theo kịch bản 3 và 4, Thành phố Hà Nọi sẽ yêu cầu  các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện phân phối nhu yếu phẩm theo chỉ đạo của Thành phố trên cơ sở căn cứ đề nghị cung ứng nhu yếu phẩm từ các quận, huyện và lượng nhu yếu phẩm hiện có của các đơn vị, sẽ cân đối điều động, bố trí nhu yếu phẩm cho từng quận, huyện theo nguyên tắc toàn bộ người dân đều được cung ứng hàng hóa.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của bệnh dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly. Nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày, kho dự trữ hàng hóa trong thành phố đã cạn hàng cần phải huy động hàng hóa từ các tỉnh, thành lân cận.

Các doanh nghiệp của Hà Nội cũng có ý kiến, hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ tiếp cận được nguồn vốn vay ngắn hạn 3 tháng, trong khi lượng hàng hóa để dự trữ cho dịch cần dự trữ từ 3-6 tháng, nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để dự trữ hàng hóa.

UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ có các chính sách, kế hoạch giãn nợ cho các doanh nghiệp, các chính sách ưu đãi về lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho các mặt hàng chịu tác động của dịch bệnh để kích cầu tiêu dùng nội địa, nới lỏng các khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn cho các khoản vay...

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách kiềm chế, giảm hoặc không tăng giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như điện, nước, xăng dầu... Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin các đầu mối cung ứng nhu yếu phẩm ở các tỉnh cho thành phố Hà Nội để kịp thời kết nối cung cấp hàng hóa cho người dân.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội lên phương án cao nhất cho cách ly diện rộng tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan