Indonesia đối diện nguy cơ tăng trưởng âm do dịch Covid-19
TCDN - Indonesia đang đứng trước nguy cơ chỉ đạt tăng trưởng kinh tế âm 0,4% vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Indonesia, Winfried Wicklein cho rằng, mặc dù Indonesia có nền tảng kinh tế vĩ mô mạnh mẽ, nhưng sự bùng phát của dịch Covid-19 đã làm nền kinh tế nước này yếu đi rất nhiều.
Giá cả hàng hoá suy giảm, thị trường tài chính bất ổn, cùng với việc một số đối tác thương mại chính của Indonesia như Trung Quốc hay Mỹ đang trải qua những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,3% của Indonesia khó lòng có thể đạt được. Thậm chí, Bộ Tài chính Indonesia còn đưa ra ước tính tăng trưởng kinh tế nước này chỉ đạt 2,3%, thậm chí trong trường hợp xấu nhất là tăng trưởng âm 0,4%.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), tháng 2 vừa qua, Indonesia đã đình chỉ các đường bay đến và đi từ Trung Quốc. Điều này khiến cho ngành du lịch của Indonesia bị ảnh hưởng nặng nề. Mỗi năm có khoảng 2 triệu khách du lịch Trung Quốc tới Indonesia. Việc đình chỉ các chuyến bay kéo dài có thể gây thiệt hại khoảng 4 tỷ USD cho nền kinh tế đất nước vạn đảo. Thâm hụt tài khoản vãng lai ước tính lên đến 2,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020.
Bên cạnh đó, mặc dù chọn không phong toả đất nước để tránh ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, song biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn mà chính phủ Indonesia đang áp dụng cũng gây ảnh hưởng phần nào tới nền kinh tế khi các hoạt động học tập và lao động đều được thực hiện tại nhà. Hàng chục ngàn người Indonesia đã mất việc làm do các công ty sa thải trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani nhấn mạnh, Indonesia sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế do sự suy thoái các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng. Chẳng hạn như, các gia đình là xương sống của của nền kinh tế Indonesia, đóng góp 59% cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên trong giai đoạn này, mức tăng trưởng tiêu dùng của Indonesia chỉ đạt 3,2%, có thời điểm chỉ đạt 1,6% thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tiêu dùng thường ở mức 5%.
Doanh thu xuất khẩu dự kiến chỉ đạt từ âm 14% đến âm 16%, thấp hơn so với năm ngoái đạt được 1%. Xuất khẩu đóng góp 18% vào nền kinh tế Indonesia. Trong khi đó, đầu tư sẽ giảm từ mức 6% xuống còn 1%. Cho đến nay, đầu tư đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Indonesia khoảng 33,8%. Chi tiêu chính phủ đóng góp 11,41% cho tăng trưởng kinh tế nay cũng bị cắt giảm.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899